16:37 - 28/04/2016
Món lạ cho dịp lễ
Người dân Sài Gòn vẫn có thể dễ dàng tìm được nhiều món ngon, món lạ để thưởng thức dịp lễ này.
Giòn như da cá
Nhà hàng hải sản Sáu Bảnh trên đường Cao Thắng nối dài, quận 10 vừa trình làng một món ăn mới vào giữa tháng 4 với sản vật của vùng đất Bến Nghé, đó là món cá bông lau quay da giòn.
Con cá bông lau được quay da vàng ươm bóng nhẩy y hệt như da heo sữa quay. Khi dọn lên cá được rút xương và cắt đoạn cuộn với bánh tráng rau sống.
Thử tách riêng miếng da cá ăn không mới cảm nhận được vị béo đặc trưng và cái khoái khẩu giòn rụm của da cá quay không khác da heo sữa bao nhiêu, nếu có khác do da cá có hương vị và độ dày khác với da heo quay mà thôi.
Nhà hàng Sáu Bảnh chọn cá bông lau để làm món này vì cá hội đủ điều kiện da dày, thịt ngọt, dai và thơm hơn hẳn những loại cá da trơn họ hàng như cá hú, cá basa, cá tra.
Cá bông lau phải chọn con cỡ 1,5kg để da cá vừa đủ dộ dày nở đẹp và giòn xốp thì người thưởng thức mới thấy hết cái ngon của món ăn. Giá một phần cá bông lau quay da giòn cho 4 – 6 người ăn khoảng 280.000đ/phần.
Hot như mì cay Hàn Quốc
Sài Gòn mùa nắng năm nay như nóng hơn bởi món mì cay Hàn Quốc. Nếu có dịp đi ngang những quán mì cay gần như lúc nào cũng đông khách, như quán mì Naga trên đường Ba Tháng Hai, quận 10 cứ xế chiều là luôn có hàng dài cả chục bạn trẻ đứng xếp hàng chờ vào quán để rồi hít hà than cay nốc cả ly nước lạnh chữa cháy.
Độ nóng của mì cay Hàn Quốc đã lan sang cả món Nhật, đến độ hiện nay một số quán ăn Nhật phải thêm mì Udon, mì Ramen cay trong thực đơn trong khi hai loại mì trên của người Nhật không phải là mì cay.
Và cả những quán ăn Việt cũng phải chiều theo ý khách hàng cũng có mì cay Hàn Quốc như nhà hàng Hai Con Bò chuyên doanh bò bíttết kiểu Mỹ, cũng phải trương băngrôn quảng cáo có mì cay Hàn Quốc để phục vụ thượng đế.
Mì hải sản cay (hay còn gọi là mì Jjambong) vốn có xuất xứ từ Trung Quốc với tên gọi Champong. Tuy nhiên khi du nhập vào Hàn Quốc thì món ăn này trở nên độc đáo hơn với hương vị đặc trưng bởi gia vị Hàn và vị “cay” là chủ đạo của món mì này. Mì được nấu bằng nước dùng gà, hải sản, nấm, cá cơm khô, rau củ… và đương nhiên là phải có ớt bột khô Hàn Quốc.
Mì cay phải ăn nóng thì mới lột tả được vị cay như tên của nó. Nhìn tô mì bốc khói nghi ngút đựng trong thố giữ nhiệt, màu ớt đỏ tươi, hải sản xen kẽ với nấm, rau củ chưa ăn đã thấy thèm.
Sợi mì Hàn có ưu điểm là dai nhưng mềm ăn rất đã miệng. Các quán mì có phân ra các cấp độ cay từ cấp 1 – 7, có nghĩa là từ cay vừa đến cay xé lưỡi, cay bốc khói, do đó thực khách tuỳ sức chịu cay đến cỡ nào thì yêu cầu cay đến đó.
Hiện trong thành phố có những quán mì cay khá nổi tiếng như Naga Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp; Nasin Hoàng Sa, quận 3; Sasin Trường Sa, quận Phú Nhuận; Naga Ba Tháng Hai, quận 10… Giá trung bình phần mì cho hai người từ 65.000 – 100.000đ/phần.
Xoài lắc
Sau cơn sốt của món trái cây như buffet trái cây, lẩu trái cây, trái cây xô, trái cây tô… Hiện nay xoài, khóm, cóc, khoai lang, đang bước vào festival của những điệu lắc.
Có thể nói món xoài lắc là một phiên bản mới của món xoài keo gọt sẵn chấm muối ớt, đã được các xe trái cây bình dân bán khắp nơi trên đường phố Sài Gòn từ những năm qua.
Hiện nay những địa điểm bán xoài lắc lúc nào cũng đông khách chờ mua là quán xoài lắc trên đường Tôn Thất Hiệp, quận 1 và gần chục tiệm trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 1. Và đương nhiên các xe bán trái cây bình dân cũng kịp thời bổ sung món xoài lắc cạnh những bịch xoài keo “truyền thống“.
Xoài lắc được làm khá đơn giản nguyên liệu gồm xoài già vừa chớm chín cắt vuông vức cỡ lóng tay cái, muối tôm, đường, ớt khô. Tất cả được cho vào một hộp đóng nắp kín rồi lắc mạnh cho gia vị thấm vào xoài. Có nơi còn cho tí xíu nước mắm đường để tăng phần đậm đà.
Đa số những khách hàng thích món lắc này là người trẻ, giờ tan tầm họ ghé qua những tiệm xoài lắc mua vài phần mang theo vào tiệm ăn, sau khi ăn món chính thì xoài lắc là món tráng miệng để kéo dài câu chuyện.
Hoặc vào quán càphê, trà sữa vừa uống vừa bỏ miệng cho vui. Ngoại lệ cũng có những vị hơi đứng tuổi cũng chờ mua xoài lắc để mang vào quán nhậu lai rai đưa cay.
Khoai lắc
Từ những gánh khoai lang chiên, chuối chiên, bánh cay với tiếng rao buồn não ruột giữa buổi trưa hè phố thị đang mất dần theo năm tháng.
Nhưng vài tháng trở lại đây cái món khoai lang chiên hiền lành chơn chất ngày xưa bỗng quay cuồng bởi vũ điệu lắc lư cùng lớp áo phômai Âu Mỹ, đã làm dân ghiền ăn vặt thành phố bị cuốn theo cơn lốc của khoai lắc phômai.
Trên những con phố như Đề Thám, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Xích Long, D2 quận Bình Thạnh… các xe khoai lang lắc lúc nào cũng đông khách và hứa hẹn món khoai lang lắc sẽ còn
tiếp tục mọc lên như nấm sau cơn mưa.
Chị Tú, chủ tiệm khoai lang lắc trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 1 cho biết mỗi ngày bán cả trăm ký khoai lang lắc, năm nhân viên làm việc liên tục từ sáng đến tối. Khoai lang chiên ngày nào giờ chế biến theo dây chuyền hẳn hoi, từ cắt gọt, ngâm tẩm, áo bột rồi đưa vào chiên được sắp xếp nhịp nhàng.
Dùng bếp chiên chuyên dụng như các cửa hàng gà rán để miếng khoai chín vàng đều mà chỉ mất 5 – 6 phút. Sau đó khoai được cho vào thau inox lắc với bột phômai hoặc xí muội tuỳ gu người ăn. Một phần khoai lắc 250g khoảng 20.000đ.
Ngồi một góc nào đó nhâm nhi miếng khoai lang lắc bây giờ đã khác món khoai lang chiên kỷ niệm ngày xưa, mới thấy: “Hôm nay em đi tỉnh về/ Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều”.
Ẩm thực Sài Gòn có cái hay là lúc nào cũng nghĩ ra được những điều mới như tính cách của người Sài Gòn lúc nào cũng năng động, mở lòng hào phóng để luôn hấp dẫn mọi người.
bài, ảnh Quang Tâm
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này