21:43 - 05/01/2017
Lộng lẫy mù sương Pelling
Buổi sáng Pelling huyền hoặc lạ lùng khi nắng vàng và sương mù cứ mải miết nghiêng chao lại qua với nhau, khi cùng các chú tiểu dọn rác rộn vui một góc rừng, tôi lại thấy nhiều sắc màu rực rỡ của mù sương.
Pelling, nghe lạ hoắc. Hỏi rằng nơi đâu – gần miền cực bắc Ấn, nghe càng lạ lẫm. Thế nên khi biết rằng đã không ít người Việt đã từng đến đây tôi thoạt đầu nghi ngại. Đến khi anh chàng bán tour du lịch, đang dụ dỗ khách tham gia, lấy cho xem cuốn sổ có danh sách những tăng ni Việt tham gia vào một cung đường du lịch hành hương đường bộ băng núi xuyên rừng, tôi tin ngay. Vì Pelling nói riêng và cả tiểu vương quốc Sikkim ngày nào nói chung không lạ lắm với những người biết ít nhiều hoặc từng tìm hiểu về Phật giáo Mật tông.
Những thiền viện phong sương vài trăm năm tuổi của nhánh Hoàng Mạo, vài tu viện mới xây vẫn giữ phong cách rực rỡ sắc đặc trưng của người Tây Tạng bỏ xứ ra đi, cả những cố cung xưa, hoàng thành cũ cheo leo trên triền Himalaya… là đích đến không chỉ của những người mến xưa mê cũ mà còn của khách hành hương. Kể cả người yêu cuộc sống xanh.
Không chỉ thiên nhiên sơn cước tươi đẹp mà với những quy định như cấm bao nilông, cấm thuốc lá… nhiều miền đất của Sikkim, trong đó có Pelling được xem là thiên đường du lịch mới. Nên khi nghe nói và đến tận nơi thấy rằng ở đất Ấn nổi tiếng với ô nhiễm còn có những miền đẹp như vậy, đã không ít người giật mình.
Được biết đến lần đầu vào thế kỷ 8, trong hành trình hoằng dương Phật giáo Mật tông của đại sư Liên Hoa Sinh, Sikkim là tiểu quốc độc lập từ xa xưa, chỉ mới sáp nhập thành tiểu bang của Ấn Độ năm 1975. Bờ đông của Sikkim giáp với Bhutan lừng danh quốc gia đề cao Chỉ số hạnh phúc và thiên nhiên tươi đẹp, Sikkim cũng chẳng mấy kém cạnh – theo chia sẻ của nhiều người từng đặt chân đến hai miền.
Còn ở Pelling, thị trấn sơn cước tuốt luốt bên kia rìa tây Sikkim, lạ thay người Bhutan lại là sắc dân chính, nên chẳng ngạc nhiên mấy trước những lời ca tụng về cuộc sống hiền hoà người dân mến khách nơi đây.
Nằm ở độ cao 2.150m – tương đương chót đỉnh Langbian, Pelling vây quanh bởi Himalaya, gần nhất là ngọn Kanchenjunga cao thứ 3 thế giới. Nên những bình minh và hoàng hôn Pelling với Kanchenjunga lung linh đổi sắc theo mây nắng sương mưa là đích đến của nhiều du khách, kể cả những cung đường trekking đến chân núi thiêng.
Còn những tu viện và cả hoàng thành cổ xưa là ưu tiên của ai yêu xưa mến cổ. Các thiền viện của Pelling đã vài trăm năm tuổi, lâu đời nhất và còn được giữ gìn cẩn thận là Sanga Choeling Monastery – từ năm 1697, “trẻ” hơn tí là Pemayangtse Monastery, 1705…
Nằm trên sườn núi, giữa rừng nhìn xuống thung lũng sâu tít tắp ẩm ướt sương mưa, các thiền viện được Pelling hào phóng tặng thêm lũ sương mây khi mờ mịt, lúc lãng đãng phủ lên chùa xưa thêm nét huyền hoặc lãng đãng làm du khách mộng mơ rất dễ “hồn bướm mơ tiên”. Những ngôi chùa, gian điện ở Sanga Choeling hay chùa cũ mới khác luôn rực rỡ sắc vàng sậm, đỏ đậm và trắng đặc trưng Mật tông.
Nhấn nhá thêm bởi những hàng lungta – phướn cờ ngũ sắc phần phật bay trong gió núi, những stupa – bảo tháp trắng lặng uy nghi… Thấp thoáng qua màn cây lá chằng chịt của rừng xanh núi đỏ sương mây bảng lảng làm khách mê kiếm hiệp cứ ngỡ mình lạc bước đến chốn tu hành nghiêm cẩn của những vị cao tăng thủa nào xa lắm. May mà những tiếng cười khanh khách của các chú tiểu đang dọn dẹp góc rừng ven chùa kéo lùi kẻ mơ màng về thực tại.
Buổi mai sáng mù sương đó các chú tiểu đang dọn dẹp rác trong cánh rừng ven chùa. Nghĩ cũng lạ việc quét rác trong rừng. Nhưng khi biết Sikkim nói chung và Pelling này không chỉ nói-không-với-bao-nilông (plastic bag free zone) mà cấm cả việc bán mua và hút thuốc lá, thì cũng sẽ chẳng ngạc nhiên mấy.
Như ở vài vùng Phật giáo khác, các chú tiểu đến chùa rất nhỏ, buổi sáng đó tôi thấy có chú kéo lê cái sọt cao gần bằng mình. Có lẽ nếp con trẻ còn chưa gột hết hay do tính thoáng của nhánh tu này, các chú vừa làm vừa đùa, bóng áo đỏ sậm thấp thoáng trong rừng xanh tinh khôi tiếng cười trong trẻo… Rồi thỉnh thoảng lũ sương mây nghịch ngợm ùa về che mịt, kéo nhau đi làm các sắc màu của rừng cây, màu cà sa, sắc cờ phướn, điện chùa pha trong sương mây cứ ngỡ những màu sắc sương mù đang rực lên.
Sáng đó, buổi chiều sau, buổi chiều sau nữa… ngoài những bình minh hoàng hôn Pelling tôi thường ghé chùa, nghe câu kinh kệ của sư thầy, ngó nghiêng các chú tiểu học hành, tu tập, làm lụng… Thấy ấm áp bình yên. Thầm tự nhắc mình về thời khắc hiếm hoi may mắn đó những khi gặp chuyện người chuyện đời lao xao. Vẫn nhớ miết Pelling những khoảnh khắc mù sương lộng lẫy yên bình hạnh phúc đó.
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này