22:00 - 10/03/2017
Lilajan những ngày xuân lạnh cạn khô
Hầu hết mọi người đều ngơ ngác khi hỏi Lilajan. Sông Ni Liên Thuyền thì kha khá người biết, nhất là phật tử.
Biết do nhớ chuyện xưa tích cũ thôi chứ từng hỏi bao người từng viếng đất Phật Bodhgaya học hành, kinh kệ vài tuần cũng chẳng hề biết Ni Liên Thuyền tên Việt của Lilajan nơi đâu hay từng đến thăm con sông chỉ cách phố mấy bước.
Dằng dặc lịch sử chảy cùng sông
Hơi rắc rối khi tìm kiếm thông tin vì nhiều tài liệu ghi tên con sông chạy qua Bodhgaya – Bồ Đề Đạo Tràng là Falgu (hoặc Phalgu) chứ không phải Lilajan (hoặc Nirajan, Nilanjan). Thực tế, ở đoạn này sông có tên là Lilajan. Nhưng xuôi thêm 2km nữa nó trở thành chi lưu đổ vào Falgu, nên mới có nhập nhằng này.
Ai mê truyện xưa cũ, tích thánh hiền đều biết chuyện thái tử Tất Đạt Đa sau nhiều năm tìm kiếm những con đường, phương pháp tu tập đã vượt sông Ni Liên Thuyền, đến kiết già, thiền định và đạt chính quả ở cội bồ đề ngay bên triền sông này. Bao thăng trầm, cội bồ đề và Đại Giác Tự được xây ngay kề bên là một trong bốn khu thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo. Đất thiêng, nhiều câu chuyện mang tính thần thoại, tôn giáo lan truyền nhấn nhá, lôi cuốn hàng triệu triệu người mỗi năm về dâng lễ, học kinh kệ…
Nhưng Falgu không chỉ được biết đến từ khi Đức Phật giác ngộ, mà còn là sông thiêng với Hindu giáo từ xa xưa trước đó. Sử thi cổ lừng danh Ramayana, chàng Rama, nàng Sita khá quen thuộc với người Việt mình đều có những câu chuyện nhắc đến, liên quan tới Falgu. Nên không chỉ với phật tử, con sông còn là nơi thờ phụng thiêng liêng của cộng đồng tôn giáo lớn nhất tiểu lục địa này.
Xa xưa hơn nữa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích sự sống, làng mạc, nhà cửa ven theo Falgu từ những năm 4.500 Tr.CN, tức 2.000 năm trước khi Đức Phật đến bên sông. Từ bấy đến giờ, sông miên man bao nhiêu câu chuyện đời chuyện đạo, bàng bạc phủ thêm sương khói thời gian càng huyền hoặc.
Những ngày xuân cạn khô sông lạnh
Nhưng buổi đầu háo hức chạm ngõ, tôi vô cùng thảng thốt – Ni Liên Thuyền đây sao! Đo theo đường chim bay, Đại Giác Tự và cội bồ đề chỉ cách sông 180m. Bị chắn bởi một khu chợ con phố viền theo sông nên có xa hơn tí khi bước đến cây cầu ngang sông. Vắng hoe hoắc tiêu điều trong khi cách đó vài mươi bước là tấp nập phố xá, chùa chiền đền tháp… đến mức nhiều lúc phải lấn chen, xếp hàng chờ tới 2 giờ đồng hồ để được viếng tháp.
Cũ kỹ, cây cầu hẹp, hun hút hơn 800m không có thành lan can còn tạo cảm giác bất an khi thình lình xuất hiện chiếc xe chất đầy khách trong và trên mui rùng rùng băng qua. Còn bên dưới, cả lòng sông bề ngang cũng dài chừng ấy chỉ toàn cát và cát, liu điu một hai dòng lạch cạn chừng tấc, rộng hai ba thước hờ hững trôi, mà chẳng biết có trôi không? Còn nhấn nhá thêm vài con bò phô xương sườn bên mấy đám cỏ úa trên cát khô, mấy con chó xác xơ lông ăng ẳng dí theo mấy con heo gầy guộc lông nhông… Ngạc nhiên toàn tập!
Nhưng, hoàng hôn rơi rất nhanh chiều đó, bình minh sương trắng ngày sau, buổi chiều xanh ngày tiếp… ngang sông, ghé xuống, qua làng nhỏ bên kia bờ… tôi đã gặp một Ni Liên Thuyền khác. Vẫn cạn khô ngày xuân rất lạnh, vẫn vương tí chát chao của vài người Ấn… nhưng cũng là nơi được chạm khẽ cuộc sống và nét đẹp sông.
Không cần ghé Hằng Hà, chiều ngang sông cũng dễ gặp cảnh hoả táng, làm hơi rờn rợn mấy hôm trời còn mờ mịt lần mò tới. Chỉ khác tí là có thêm mấy tà cà sa đỏ khó thấy ở sông Hằng. Lòng sông cát cũng là sân chơi thênh thang của đám học sinh trường làng, đám thanh niên mê cricket, đá banh… Là sân phơi phóng lý tưởng cho các nhà hàng, khách sạn, là nơi nhộn nhịp xe chở cát phục vụ cho mấy khu vực ở Bodhgaya đang như một đại công trình dang dở.
Triền sông còn là nơi lý tưởng để ngắm hoàng hôn rơi trên Đại Giác Tự bên kia bờ tây. Cây cầu ngang sông là địa điểm thú vị cho những khung hình mờ ảo trong mù sương của những cô cậu học trò đến trường mai sớm, những chiếc xe ba bánh đặc trưng, những đôi nam nữ thẹn thùng hò hẹn. Dòng sông trơ cũng đẹp hơn trong sương trắng, trong những tà saree nhiều sắc của những người phụ nữ Ấn lam lũ đội mang thúng mủng chậm bước. Và còn nhiều nét riêng lạ khác mang thêm sức sống duyên cho sông cạn.
Nên những mai sớm giá buốt đâu đó 10 độ C, những buổi đêm vắng hoang mờ mịt vẫn cắn răng lò dò tìm đến. Vì đâu biết có không một mùa xuân nào lại được về với sông. Nhưng vẫn cứ thầm mong! Và vẫn để lại lời hẹn hò ngày chia xa sông.
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này