13:21 - 29/09/2019
Lên đồi trà Cameron cứ nhớ về Cầu Đất
Trong các lý do tôi đi Cameron có những đồi trà. Thú vị thiệt, cả các đồn điền đó và cách làm du lịch. Để cứ nhớ hoài Cầu Đất mình chẳng kém cạnh gì, giờ vẫn như sơn nữ ngơ ngác giữa rừng xanh.
Được tìm thấy năm 1885 và đặt tên theo người phát hiện William Cameron, tới sau năm 1920 mới bắt đầu xây dựng nhà cửa, trang trại. Tới năm 1929, đồn điền trà đầu tiên ra đời trên cao nguyên Cameron, Malaysia. Bên này nước Việt, bác sĩ Yersin đến Đà Lạt trễ hơn vào 1893. Tuy nhiên đồn điền và nhà máy trà Cầu Đất ra đời sớm hơn – năm 1925, được xem là một trong các đồn điền trà xưa nhất Đông Nam Á, dù những gốc trà cổ thụ đã mọc từ rất xa xưa ở miền Tây Bắc mình.
Bữa đó ngoài trà, rafflexia cũng là đích nhắm khác ở Cameron. Tới mới biết mùa này loài hoa lớn nhứt thế giới chưa nở. Được giới thiệu bù cái tour thăm đồn điền trà xưa nhứt Malaysia. Không kiếm được chữ nhứt thế giới của hoa hoè, kiếm chữ nhứt khác của Malaysia bù vậy. Tour quá rẻ, chỉ 25 ringgit (khoảng 130.000 đồng) thăm thú tới tám điểm chứ không chỉ mỗi đồn điền trà. Đi rồi mới thấy, Cameron khá nhiều tương đồng với Đà Lạt nhưng làm du lịch hơn rất nhiều.
Chuyện ngó nghiêng vườn hồng nhiều giống lạ, cả hoa hồng xanh, vườn lan, vườn bướm, nơi rắn xanh lè vài mét, bò cạp to đùng “được huấn luyện” bò lổm ngổm trên tay du khách… sẽ nói riêng nếu có dịp. Chỉ tập trung đoạn tham quan đồn điền trà. Ra đời đầu tiên, BOH cũng là (cụm) đồn điền lớn nhất xứ này. Sản lượng trà Malaysia chỉ quanh quẩn ở vị trí thứ 20, thấp hơn hẳn Việt Nam ở hạng 5 thế giới (World Atlas 2019). Nhưng do trồng trọt tập trung, bốn đồn điền của BOH rộng đến 1.200ha, sản xuất 4.000 tấn trà khô/năm, chiếm khoảng 70% toàn Malaysia. Nên BOH lớn hơn Cầu Đất, từ diện tích 600ha hồi phát triển nhất, giờ thu hẹp còn 230ha.
Việc tham quan đồn điền BOH là miễn phí. Các tour có hướng dẫn viên khoảng 30 phút một đợt nếu đông khách. Giới thiệu sự ra đời, quy trình làm trà, vật dụng, ở bảo tàng, cả phòng chiếu phim… sau đó ra đồn điền mục sở thị cây trà nào già cỗi, góc nào là lứa mới. Cách thu hoạch lá non hay các lá già hơn, chỉ lặt đọt 2 lá, hay nhánh 3 – 4 lá để làm loại trà gì… khá chi tiết.
Việc sắp xếp thời gian tour cũng khá tinh tế. Khi đã qua nửa chuyến đi, xê xế tới giờ trà chiều mới ghé thăm đồn điền. Nên sau khi đi ngó nghiêng, nghe kể… khách thấm mệt sẽ có thời gian tự do nghỉ ngơi, ở ngay cái quán cà phê có tầm nhìn toàn cảnh đẹp nhất. Quán làm chủ yếu từ thân trà cổ, mộc mạc đẹp, rất sinh thái… và rất cuốn hút mấy lò nướng bánh thơm lừng. Thơm hơn mùi trà, rù quến khách ngả người trên ghế đòng đưa, nhấm nháp bánh cùng bình trà nóng dịu thơm. Nghiêng ngó trời mây và bạt ngàn nương đồi trà ngăn ngắt uốn lượn bên dưới, gió cao nguyên mát lạnh ve vuốt nữa thì còn gì bằng.
Về sau, tôi lang thang nhiều xứ trà lừng danh như Assam đông bắc Ấn, Sylhet của Sri Lanka, cả các đồn điền mới nhưng đã lừng danh ở bắc Thái như Mae Sang Long, Chiang Rai… Các nơi đều có những cái hay riêng. Tỷ như các đồn điền nối nhau hàng chục cây số ở Assam rất hoành tráng, trà mọc dưới tán rừng để lấy bóng râm ở Sylhet rất lạ… Nhưng vẫn nhớ nét duyên nhiều sắc mộc Cầu Đất bữa mùa thu lang thang. Những con đường bên đồi trà xanh ngắt khi vàng rực dã quỳ, lúc điểm trạng nguyên lá đỏ, lúc không vàng, đỏ thì lũ cỏ hôi bung sắc tím nhẹ vốn nhợt nhạt khi đơn lẻ giờ cứ bời bời rực lên… Mấy vạt thông rừng, các vườn hoa, nhà kính nhấn nhá thêm duyên, nhưng sao còn quá cô độc. Cứ mơ hoài ngày Cầu Đất lên ngôi, du khách đổ về để rạng rỡ như những đồi trà xứ người.
bài và ảnh Thái Hoãn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này