12:51 - 13/01/2019
Lệ Giang, mấy góc duyên mộc không hoa lệ
Mỗi lần về Lệ Giang, tôi ít ghé các phố đông rực rỡ hoa đèn mà dành nhiều thời gian lang bang hẻm nhỏ, ngõ hẹp. Vì mê đắm những nếp cũ cũ quê quê mộc mạc đẹp xinh.
Phố cổ ngàn năm giờ mông má khá dữ, nhiều chỗ hơi lố.May sao chỉ ở lộ chính. Chịu khó lội vô hẻm ngõ mà Lệ Giang (Lijiang) sầm uất lạ thay “bị” lọt sổ kha khá chỗ là như lạc trôi về làng xưa thôn cổ. Nhiều hư hao, lắm tàn phai, đậm dấu thời gian… Nhưng đất đai tốt tươi, khí hậu mát lành, thêm người miền cao yêu sắc thích màu… nên nhiều duyên lắm. Và rất đỗi quen thân, nên yêu càng thêm yêu.
Giá trị quý ẩn dưới hoa lệ lung linh
Ở góc tây bắc tỉnh Vân Nam (Yunan) giáp với Tứ Xuyên (Sichuan), Lệ Giang độc đáo nằm ở nơi hội tụ của hai cao nguyên Thanh Tạng, Vân Quý. Đắc địa, mẹ thiên nhiên ưu ái, từ xa xưa cổ trấn phồn thịnh được nhắc nhiều khi nằm trên cả hai cung đường thương mại lừng danh, Con đường Tơ lụa (nhánh nam) và Cổ Mã Trà đạo.
Người Nạp Tây (Naxi) tề tựu về những năm đầu Công nguyên, đến năm 658 trấn Bạch Hà (Baisha) cách Lệ Giang giờ 12km, là kinh đô của vương triều Nạp Tây cho tới khi người Hán thôn tính năm 1107. Bạch Hà nhường lại nhiệm vụ trung tâm hành chính cho Lệ Giang. Tới năm 1278, khi những vó ngựa Mông Cổ tràn tới, nhà Nguyên sau khi thu phục miệt này đã giao quyền cai quản cho vị thổ ty họ Mộc. Gia quyến Mộc thị nắm giữ miền này suốt 500 năm đằng đẵng. Những dấu tích, di sản họ để lại là niềm tự hào của thành cổ Lệ Giang nức tiếng bây giờ.
Có đến 22 nhóm dân tộc cùng sinh sống, nổi tiếng nhứt là người Nạp Tây, với ngôn ngữ và chữ viết riêng độc đáo. Thu hút các học giả trên thế giới, cũng là lý do Lệ Giang được quan tâm từ đầu thế kỷ 20, rồi nổi tiếng thành điểm nóng du lịch. Sinh sau đẻ muộn ở thế kỷ 7, chữ viết Đông Ba của họ đặc biệt khi có đặc điểm tượng hình, vừa sử dụng ngữ âm – khác hẳn chữ Hán. Dâu bể ngàn năm xâm chiếm, cai trị, đồng hoá… rồi đến cách mạng văn hoá, chữ Đông Ba không còn được sử dụng nhiều, nhưng vẫn rất hấp dẫn các nhà khoa học. Thêm vào đó, nét lạ văn hoá, truyền thống như tục nữ quyền của nhánh dân tộc Moso, vũ điệu tập thể từ ngàn xưa na ná “flashmob” giờ của Nạp Tây, các trường ca lảnh lót LIshu… sẽ là tưởng thưởng thêm cho khách tìm đến không chỉ vì mỗi non xanh nước biếc, cung điện xưa, lầu đài cổ.
Hẻm quê lung linh sắc duyên
Lướt nhanh qua mấy con phố cổ trùng tu mới hay phố mới sơn phết giả cổ. Len vô mấy hẻm nhỏ không bán bán buôn buôn. Quay những vòng xe ra xa quảng trường Tứ Phương đông ken. Bỏ lại mấy dòng suối rực chói lồng đèn đỏ giăng treo, hai bên hàng quán người người tấp nập… Sẽ gặp Lệ Giang còn nhiều nét mộc.Cả vết dấu cuộc sống nông thôn nhọc nhằn nhưng giữ lưu khá nhiều nét chân tình.
Miền sơn cước không kiệm lắm đá núi, có thể thấy rất rõ ở điểm nhấn rất thu hút du khách của cổ trấn là mấy con đường lát đá trên cung đường Cổ Mã Trà đạo ngàn năm trước mòn nhẵn dấu chân ngựa, lừa. Thế nhưng trừ mấy căn nhà phố kinh doanh, khách sạn hàng quán xây lớn, các nhà trong ngõ hẻm hầu như chỉ đắp, trát bùn. Từ tường cũ xám nâu hay vách mới bùn non còn vàng sáng đều gợi cảm giác ấm cúng, quen thuộc của các miền quê chân chất nhiều xứ. Miền cao sương mưa nhiều, ẩm ướt lắm, nên lũ cỏ cây không chỉ tấn công tường vách mà còn bời bời trên mái, bên hiên. Những ngày thu cỏ cây đơm bông vàng hực hỡ trên rêu xanh, ngói xám hay tranh úa càng làm lộ hơn nét phai phôi, tương phản đẹp lạ.
Có vài căn nhà cũ người quê làm homestay, chỉ sửa sang thêm tí chút cho sạch sẽ, tô vẽ thêm vài bức tranh bên ngoài cho đỏ xanh. Nhưng được cái hoa cỏ tưng bừng miền cao nguyên lành lạnh viền kẻ, thêm tính người miền cao – hình như ở đâu cũng vậy thì phải, rất nặng lòng với sắc màu nên hẻm hẹp, ngõ nhỏ nhà đất mái tranh hay ngói đều bừng sáng. Thêm lũ con nít mặt mũi tèm lem bởi đủ thứ nước mắt, nước mũi lẫn bùn đất nhưng rất chịu khó tạo dáng, pose hình, lăng quăng chơi chạy, tí tởn hét hò làm tăng sức sống ngõ quê. Mấy dì, mấy chị không gánh gồng quang thúng thì cũng gùi, đội um sùm rau cỏ bí bầu. Nhàn nhã hơn, các cụ túm tụm bên bàn cờ, mạt chược… Không gian an nhiên đong đầy nét ngày cũ, tình xóm nghĩa làng xưa, lại không xa lắm phố đông xôn xao lắm lấp ló ngoài kia tạo nên những nét duyên tương phản rất riêng Lệ Giang.
Nên, hai bận ghé chơi Lệ Giang lần nào tôi cũng lang thang nhiều nhất ở những hẻm, ngõ. Đã nhiều mùa thu qua rồi vẫn còn nhớ như in mấy đường quê cửa nhà cũ kỹ hoa cỏ lung linh. Vàng rực rỡ nhiều giấc đêm chập chờn chợt vọng nhớ!
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này