08:58 - 07/12/2015
Kỳ thú hồ Thác Bà
Lên Yên Bái không chỉ leo núi Cao Biền, núi Vua áo đen vây quanh hồ Thác Bà, mà du thuyền lướt một vòng hồ rộng lớn cũng mất một ngày. Hồ mênh mông xanh biếc nhưng không nhìn thấy thác ở đâu.
Nếu muốn nhìn thấy Thác Bà dễ phải xuống tỉnh Hoà Bình. Nơi lát cắt của hồ và sông Đà vẫn ẩn hiện những bè nứa trôi, vóc dáng người lướt bè y như một chiếc lá xoáy giữa dòng nước. Phàm đã dạn dĩ với sông nước họ không có vẻ gì lạ lẫm mùa nước dâng, khi Thác Bà đổ xuống từ núi cao; khác gì như ta đến chùa São thì thấy có khói hương nghi ngút vậy.
Bạt ngàn những vườn hoa mận trắng, ong bay rù rì trên những thảm hoa ở trên đầu ta. Những nhà sàn khác biệt của chiếc sào hay dây phơi những màu áo của người dân tộc Cao Lan, Phù Lá, Dao trắng hay Mông, Tày, Nùng. Ta phân biệt nhà sàn ở màu áo ấy. Thuyền du lịch vẫn không ngừng tung sóng, có thể lướt qua rất nhiều đảo nhỏ trong hơn một ngàn hòn đảo để ghé tới động Thuỷ Tiên; trong huyền thoại về công chúa Thuỷ Tiên và hoàng tử con vua Thuỷ Thần mê hoặc; nơi còn phơi nguyên trái tim bằng đá xám trong hang động, nó hơi giống hình giọt lệ vẫn sầu muộn nhớ nhung về nhau, trái tim điêu khắc đá thiên nhiên này ghi lại một tình yêu ngàn đời chưa bị bỏ quên.
Thuỷ Tiên động còn có cây cột vàng, cột bạc, cột đồng, bằng đá. Không thấy vàng bạc đồng ở đâu, chỉ thấy một khuôn mặt bằng đá cúi xuống ở cây cột đá có tên là Đồng, nom kỹ cũng buồn bã cô đơn lắm. Đi sâu nữa thấy một điêu khắc tự nhiên bằng đá hình con voi, gõ lên âm vang bản giao hưởng âm nhạc rung ngân giữa ngàn sâu. Động Thuỷ Tiên còn có một kho báu nữa nhưng không thấy một báu vật nào, chỉ là nơi xưa lắm, hoàng tử để tư liệu quý. Tư liệu quý nhất của bước chân khám phá, là nhìn một trái tim bằng đá mà rưng rưng như lệ, nó gợi lên một dấu hỏi về tình yêu cuộc sống có bất diệt hay không? Có hay không tình yêu của loài người trong điêu khắc tự nhiên của hang động vùng sơn cước Yên Bái.
Người làm “tự điển” cây thuốc
Khi gặp trời có mưa bụi lữ khách có thể ghé thăm vườn lan của ông Hà Tiến Thuận, với đủ thứ lan Hoàng Thảo,Thuý Điệp trong bộ sưu tập hơn 1.000 loại lan của vườn nhà ông. Ở ông Thuận cho thấy một con người yêu cây, và đam mê cây, chuyên đề chỉ có cây phong lan mà thôi. Ông Thuận cũng truyền cho người con trai Hà Nhật Long mê cây, nhưng người con của ông lại mê cả những cây thuốc quý, và anh còn tìm tòi để nghiên cứu ngâm rượu.
Một hầm rượu, và bộ sưu tập rượu của Hà Nhật Long cũng lên tới hàng trăm thứ rượu thuốc quý, tửu lá có tới 72 vị thuốc, rượu sâm đất, rượu cây rắn cắn… niềm đam mê của chàng trai Nhật Long thật khác xa vời vợi với tuổi trẻ đồng bằng; có lẽ vì rừng và cây thuốc tràn ngập trong câu chuyện núi non của cậu như dẫn dắt dân chưa nghiện rượu thành nghiện rượu lá cây rừng già. Cũng thấy rõ trong phong thái giản dị điềm đạm của người cha tên Thuận, người mê phong lan, dạy dỗ con đam mê rừng cây. Đến đây ở bậc làm cha, mẹ như tôi khi gặp ông Thuận, thường tự hỏi làm thế nào ông truyền dạy đam mê cây rừng truyền lan sang con cái. Niềm đam mê huyền diệu này, giúp cho con người ta lớn lên; mạnh mẽ hơn; yêu thiên nhiên hơn.
Yên Bái còn có một loại trà có tên Tả Sùa, cây cổ thụ ngàn năm mọc trên những ngọn núi cao, mùa sương đi rất xa và trà có sương phơi khô uống một lần thì khắc khoải nhớ. Vị ngọt, thanh, lưu lại cả trong hơi thở thanh cao của trà.
Yên Bái còn có chợ, tên chợ cũng lạ. Tên chợ mang tên cây số; ví như chợ Cây Sáu hay đi chợ Cây Ba, nhưng đi chợ Ga sầm uất nhất. Chợ có gạo Sén Cù hạt to đục, thổi cơm khi sôi, hương toả khắp nhà. Gạo Sén Cù ăn với thịt trâu nướng chấm với mắc khén, tốn cơm lắm. Vị của Yên Bái không lẫn với miền núi, từ hạt vừng nhỏ như hạt đường, đến mộc nhĩ đen, nấm trắng, nghệ đen. Còn đi vào lễ hội mùa cơm mới của dân tộc Phù Lá hay Cao Lan, chân ta như lạc vào màu sắc của thổ cẩm; rồi những điệu nhảy bên bếp lửa mời gọi trong những đêm cuối đông còn sót lại vị rét. Quá giang hồ Thác Bà lên Mường Lò gặp nghệ nhân Lò Văn Biến nghe ông lão hơn 80 tuổi thổi khèn như trai trẻ, nghe ông nói về chữ Thái cổ, nói về sáu điệu xoè cổ, và nhất định phải ngồi xem múa nâng khăn mời rượu, múa tung khăn, và hát những làn dân ca Thái chứa chan tình người.
Đấy là khi ta lên núi, xuống hồ, nếu thích thì ghé La Pán Tẩn, ngồi nhìn khói và ruộng bậc thang, thi thoảng trên đường đi lại gặp một con suối đầy lá vàng và hoa hoa dã quỳ, cũng vàng. Những đàn bướm choàng áo đủ màu sắc như tiên nữ, bay là là bên suối và một vài làn khói như những chiếc khăn vắt ngang suối có khi gặp đồng bào dân tộc Tày, Nùng họ đang đốt rơm rạ cày ải. Nơi đây vẫn có những dòng thác ẩn trong hồn người, làm bước chân ta đi ở khó về vùng hồ Thác Bà, dù ta không nhìn thấy thác.
bài, ảnh: Hoàng Việt Hằng
Có thể bạn quan tâm
Hải sản nhiễm arsenic có hại không?
Mùa chim chuột ở miền Tây
Đánh thức gia vị Việt
Heo mọi trở lại bàn ăn cao cấp
Bún gạo xào Trà Vinh thay cho Singapore?
Tags:hồ Thác Bàyên bái
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này