10:00 - 13/06/2019
Khi cá tôm sông Hậu chung nồi rau củ Langbiang
Các đầu bếp đến từ đồng bằng sông Cửu Long, là các chủ nhà hàng được tập hợp trong CLB Bếp ngon Phương Nam cùng các đồng nghiệp ở chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Đà Lạt, viết nên câu chuyện không ngờ khi kết hợp nguyên liệu giữa hai miền, hồi trung tuần tháng 5/2019.
Anh Rommens Benoit Martin (Ben), đầu bếp người Bỉ, tác giả món cơm lam kết hợp cá dứa một nắng từ miền Tây, nói rằng chính anh cũng không ngờ nó ngon đến như vậy.
Cơm lam + khô cá dứa, phi lê basa xốt chanh dây, cá basa nhồi bông cải cuộn mỡ chài đút lò… là cách kết hợp sáng tạo từ các bếp trưởng Đà Lạt. Từ góc nhìn miền Tây, anh Dương Hoàng Phong, chủ nhà hàng Grill & Chill; anh Nguyễn Trường Chinh, Chả hoa Năm Thuỵ; và anh Nguyễn Văn Phong, Cantho Farm, trình làng ba món: gỏi dưa lưới tôm sông, salad thịt xông khói + chả hoa Năm Thuỵ, gây chú ý với cách kết hợp cả ta và Tây. Các loại rau củ quả ở Đà Lạt như rau dền, xà lách xoong, xà lách thuỷ canh, củ cải đỏ, cải xanh baby, cải thảo, củ hành tây, hành lá, ngò rí, rau mùi, được kết hợp với cá basa, vồ đém, tôm từ đồng bằng.
Món bánh da lợn mặn của anh Trần Thiện Cảnh, lò bánh hỏi Út Dzách, huy chương vàng lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2016, và chè khúc bạch màu thảo mộc của cơ sở Trung Nhân, cũng tạo bất ngờ trong cách phối hợp giữa mặn – ngọt. Anh Cảnh chuẩn bị sẵn bột, lá dứa, tôm, dừa từ Phong Điền, để kết hợp với củ cải đỏ, dưa leo, rau mùi từ Đà Lạt. Lần đầu tiên tới Đà Lạt, anh Cảnh nói rằng chính anh đã học hỏi được nhiều điều sau chuyến đi này.
“Hồi nãy tôi tưởng đâu là bánh ngọt, ăn thử một miếng thấy ngon, tới khi vô bàn thì có một chú chỉ tôi ăn với rau, nước mắm, nước cốt dừa. Ngon lắm”, cô Hạnh Thu, khách tham dự bữa tiệc, nói.
Ở Lâm Đồng, ít có cá, tôm, nhưng rau thì nhiều, các món ăn kết hợp rất ngon và lạ, lại được ngắm mấy chị mặc áo bà ba, giọng nói rất có duyên. Thực ra món ăn từ miền Tây giới thiệu tại Đà Lạt, nhiều thực khách nói lần đầu mới biết tới mắm. Văn hoá ẩm thực vùng miền vẫn còn vách ngăn ở đâu đó?Cô Hạnh Thu nói ấn tượng với món lẩu mắm cá vồ đém 4kg. Không chỉ ngon, thơm với miếng cá dai, mà còn vì người nấu là chị Phan Thị Hồng Nhi vui vẻ, nhiệt tình, hướng dẫn từng chi tiết để thực khách cảm nhận hết giá trị của cá vồ đém.
Ông Nguyễn Hữu Hường, chủ nhiệm chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Đà Lạt, cho rằng câu chuyện ẩm thực từ khi có sự tham gia nhiệt tình của các đầu bếp ở vùng sông nước Cửu Long và anh em miền núi Langbiang, sẽ mở ra triển vọng “bổ sung thực đơn” cho cả hai phía.
Chị Nguyễn Thị Thiên Hương, nhà hàng Tâm Đắc, nói món bổ sung thực đơn liền là mắm đùm và lẩu cua đồng của ẩm thực Ven Sông. Các món rau, củ quả Đà Lạt sẽ làm phong phú hơn cho bữa ăn của thực khách, và bây giờ là lắng nghe tiếng nói từ người dùng để câu chuyện có thêm tình tiết thú vị. Bà Hồng Nhi, á quân cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016, nói: nhiều khi mình đâu có biết món đó ăn với cái gì là hợp, cái gì sẽ ngon hơn. Cách kết hợp vùng miền giúp cho góc nhìn cọng rau, con cá khác hơn.
“Món lẩu cua đồng đã kết hợp được với rau dền, cải ngọt, xà lách xoong, cải xanh baby, xà lách, cải đỏ, hành, ngò rí, hành lá Langbiang. Còn món mắm đùm thì kết hợp được rau thơm các loại, chuối, dưa leo, cà phổi… Rau trên Lâm Đồng đa dạng, ngon hơn mình, có độ giòn, độ ngọt thanh”, ông Phạm Bửu Việt, tác giả món lẩu cua đồng, chủ nhiệm CLB Bếp ngon Phương Nam nói.
Chị Lê Thị Bé Bảy, giải ba cuộc thi Mekong Chef 2017, với món cá tra hấp ngũ vị, chia sẻ: cá tra quá lứa, lâu nay bị gạt ra khỏi danh mục xuất khẩu thì mình đưa vào thực đơn nhà hàng. Món hấp với lá sen, nước mắm và năm loại nước xốt lên bàn vẫn còn thoang thoảng mùi hương sả, lá sen. Năm loại xốt gồm: 1/ Xốt cà chua và nước mắm Cồn Sơn. 2/ Xốt phô mai, lòng đỏ trứng muối và rau om tía, hoà quyện ẩm thực Đông – Tây khá thú vị. 3/ Xốt làm từ mứt tắc, mật ong trộn với rau om xắt nhuyễn có vị chua ngọt, thoang thoảng mùi thơm, đỡ ngán. 4/ Xốt làm từ ớt xanh và sữa tươi, vị cay vừa, thanh tao. 5/ Xốt mù tạt nhà làm, mang đến cho thực khách hương vị mới của cá tra ngũ vị.
Ben nhận xét món lẩu cua đồng và cách trình bày của anh Phong, nhà hàng Grill & Chill, rất ấn tượng. Một cách trình bày sáng tạo, kết hợp được giữa Đông – Tây rất xuất sắc. “Đồ ăn Việt Nam đích thực không nên tham về số lượng, tạo bất ngờ ở chỗ ngọt thanh, nhẹ nhàng; nhưng vẫn giữ được hương vị đậm đà khiến người ăn phải lưu luyến. Các món ăn chú trọng các nguyên liệu có lợi cho sức khoẻ. Mỗi món ăn đều có câu chuyện của nó, mộc mạc, nhưng vẫn có sức lôi cuốn. Và khi có đủ thời gian nói về câu chuyện này, thì rất tuyệt vời”, Ben nói.
Đỗ Khuê – Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này