10:04 - 11/09/2016
Heo may ở phía Côn Sơn
Hải Dương, thành phố không mấy xa Hà Nội, lòng người không chỉ nghiêng về phía Côn Sơn, chùa Hun, hay đền Kiếp Bạc; nếu đi theo vệt sử thi Phật giáo của thời nhà Trần, các ngôi đền chùa ở đây, còn có duy nhất ngôi đền thờ một vị nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Duệ từng giả trai để được đi học.
Ngôi đền ở ngọn núi Tri Ngư Chí Linh, cách không xa là đền thờ Chu Văn An uy nghi cũng nằm trên núi, với một chữ học khắc trên bia đá chưa xám ngàn thu; lạc chân vào những miền quê thôn dã khoảng hơn 20 cây số là chùa Thanh Mai cổ kính tĩnh mịch.
Nhưng đến gần dãy núi Phượng Hoàng phải kể đến chùa Hun chân Côn Sơn, mùa thu đã về ở xứ Bắc se lạnh, hanh hao; các bạn trẻ vẫn tìm về đây lễ tạ vị danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi; sau khi các em thi đỗ đại học và tốt nghiệp đại học.
Vùng núi địa linh nhân kiệt
Trời đầy sương sớm trên Côn Sơn, đi đường núi vẫn nghe thấy quả thông tách vỏ nứt vỡ, nó làm cho tim người như vừa nghe thấy tiếng gõ cửa nhà hiu vắng.
Người đi trên núi lặng lẽ kiếm cây thanh hao đem về phơi khô bó chổi tươi trong ban mai. Đem phơi thanh hao, se khô rồi bó chổi đem bán cũng là một cách tựa vào non cao để sống của người đứng tuổi vùng này.
Những bầy chim di, chim nhạn, chim ngũ sắc vẫn rợp trên núi vẫn bay trên ngọn thông xanh, thi nhau hót không cần nhạc trưởng.
Chỉ có lữ khách phố thị ngơ ngác, vì chim rừng sao hót ríu ran, tung hô trời xanh đẹp thế, nó xua đi bao tiếng còi xe máy, ôtô, xua đi bao ô nhiễm không khí; nó xua đi bao nhiêu nông nổi con người, vì chạy đua tốc độ hơn sống thanh bạch nhàn cư…
Lên Côn Sơn để nhìn lên một khoảng trời đầy thông và vòm cong của những ngôi đền cũ, lối mờ mờ rêu phong vẫn còn hoang hoải dưới chân mùi lá mục; và tiếng cười giòn tan của bọn trẻ ở dọc đường Côn Sơn, thi thoảng vẫn bắt gặp lùm hoa diếp dại mơ vàng khuất trong rừng già.
Hình như hoa diếp dại đã không còn trong ký ức của tình yêu, của chàng hay nàng nữa, mà còn trong nỗi u buồn của người tri thức đứng tuổi đi về vùng sơn cước Côn Sơn cầu nguyện cho vận nước Việt ngày một bền vững hơn trong cách giữ gìn bản sắc văn hoá thời hội nhập.
Cái vòm mái cong của ngôi đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, hay hướng về cái am Đào Hoa xưa vẫn còn đó, như trôi về một thuở bà Nguyễn Thị Duệ đèn nhang đọc sách, nó trôi về xửa xưa có một ý chí quyết liệt mà bà Duệ từng giả trai đi học, người phụ nữ hiếm có ở nước Nam ngày ấy.
Ngọn núi Tri Ngư ở Chí Linh vẫn còn linh nghiệm cho những cô gái thời hiện đại về đây cúi học làm người.
Đền thờ Chu Văn An không xa
Tấm bia trên đá chưa xám, còn sáng lên vết phấn như ai viết chữ học. Về đây để thăm thú đền thầy giáo Chu Văn An và cũng đừng quên chữ học, học chữ và học làm người cả trẻ lẫn già đều sực nhớ.
Leo mãi leo mãi mới lên đến gần ngọn núi. Chốn địa linh này hai lần Nguyễn Trãi về ở ẩn, người vẫn còn trồng thông và thanh hao chốn xưa, góc nào trong rừng thẳm để đọc chữ và viết sách.
Giếng ngọc và bàn cờ tiên, vẫn như xưa. Chỉ có vùng núi này còn chưa nghe thấy tiếng cưa và cây đổ, vẫn còn rừng già và chùa cổ trên non.
Sau đền thờ Nguyễn Trãi, phía sau chùa Hun vắng vẻ và là nơi bạn trẻ về đây đọc sách dâng hương. Vùng Chí Linh vẫn còn vệt du lịch di tích lịch sử, nếu rong ruổi lên chùa Thanh Mai cổ kính thì còn có dịp đi qua những cánh đồng lúa non, những ngôi làng yên ả còn dấu xưa của quê Việt.
Còn cánh võng và bụi tre, vườn duối gai tường rào lối rẽ, có mùi bùn và mạ non, có hương cau và ngâu tàn hoàng hôn.
Nếu lật lại sách sử thi của thời Trần, về Chí Linh Côn Sơn ngày thường bạn vừa đi vừa xem như vừa lật lại trang sách sử thi mà lâu ngày bỏ quên không nhớ, không học.
Đôi khi khoác tay nải lên và đi, con người cũng cần giật mình để đi chậm lại bên núi, bên cỏ cây để nhìn xem cái tường rào hoa duối dại của vùng quê Bắc bộ đã biến mất từ khi nào.
Thay vào đó là những tường rào dự án, trên đất của ông bà ta xưa mà ngậm ngùi không được bước qua trên chính đất của quê nhà.
Bài, ảnh: Hoàng Việt Hằng
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này