10:23 - 02/08/2024
Du lịch Việt bỏ ngỏ thị trường tiềm năng
Nửa đầu năm 2024, ngành du lịch đã có bước phục hồi tích cực, khi lượng khách quốc tế đã vượt giai đoạn cùng kỳ trước dịch. Song phía sau những con số đẹp vẫn còn không ít vấn đề.
Mùa thấp điểm khách vẫn tăng
Tháng 6 được xem là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch). Kết quả này đã đưa tổng lượng khách quốc tế trong 6 tháng đạt mốc 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với năm 2019.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng 2 thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam sau 6 tháng. Tiếp theo là Đài Loan (630.000 lượt), Mỹ (415.000 lượt), Nhật Bản (336.000 lượt), Malaysia (254.000 lượt).
Trong Top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Australia và Ấn Độ. Hai thị trường này đã vươn lên vị trí thứ 7 và 8, xếp trên Campuchia (thứ 9) và Thái Lan (thứ 10).
Theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 229,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc (tăng 42,4%), Nhật Bản (tăng 39,2%), Đài Loan (tăng 95,5%).
Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (tăng 116,1%), Philippines (tăng 57,3%), Lào (tăng 19,9%), Campuchia (tăng 17%), Malaysia (tăng 9,3%) Singapore (tăng 9,8%), Ấn Độ (tăng 32,1%).
Về mức độ phục hồi so với năm 2019, xét theo thị trường từ các khu vực, lượng khách quốc tế từ hầu hết các khu vực đã cao vượt so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách từ châu Úc đạt mức 119% so với cùng kỳ năm 2019; châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%, châu Âu gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 92%.
Không chỉ gia tăng về lượng khách mà chi tiêu của du khách quốc tế khi đến Việt Nam nói chung và các điểm du lịch lớn nói riêng, như TP.HCM cũng đang gia tăng đáng kể.
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 5, khách nước ngoài đã mua gần 120 tỷ đồng hàng hóa mang theo khi xuất cảnh qua các cửa khẩu TP.HCM, tương ứng với số thuế được hoàn hơn 8 tỷ đồng. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, TP.HCM đã hoàn thuế VAT cho hơn 7.200 lượt người nước ngoài mang theo hàng hóa khi xuất cảnh, trị giá hàng hóa trên 460 tỷ đồng, tương ứng với số thuế VAT được hoàn trên 40 tỷ đồng.
Trong nhóm các du khách được hoàn thuế mua sắm, chi tiêu mạnh tay nhất không đến từ các quốc gia châu Âu, Mỹ mà là du khách Ấn Độ. Nhóm khách này mua sắm khá mạnh tay và mới xuất hiện trong năm nay.
Thị trường tiềm năng chưa được khai thác
Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền lần thứ 247, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mới đây, có 2 câu hỏi của doanh nghiệp thu hút được nhiều sự quan tâm.
Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on – Hop off đặt câu hỏi, Thái Lan đặt mục tiêu đón 80 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2027, vậy ngành du lịch có phương án gì để cạnh tranh?
Một câu hỏi khác đến từ ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Việt Nam, liệu du lịch TP.HCM có chính sách khuyến khích nào đón đầu xu hướng khách Hồi giáo đang tăng trưởng cao ở các nước? Chẳng hạn, Thái Lan đặt mục tiêu đến năm 2027 đón 80 triệu khách quốc tế, trong đó có đến 1/3 là khách Hồi giáo?
Câu hỏi của ông Cương không chỉ dành cho du lịch TP.HCM, mà rộng ra là cho ngành du lịch Việt Nam khi khách Hồi giáo nói chung và khách Ấn Độ nói riêng, luôn được đánh giá là nguồn khách tiềm năng. Có thể nhìn thấy ngành du lịch dường như không có nhiều đổi mới trong phương án tiếp cận các thị trường mục tiêu. Bức tranh cơ cấu thị trường của Việt Nam dường như không thay đổi, chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách Hàn Quốc, Trung Quốc.
Chưa hết, các chương trình xúc tiến du lịch những tháng đầu năm chủ yếu ở các thị trường xa, ít đóng góp lượng khách cho Việt Nam. Trong khi thị trường Ấn Độ vốn được đánh giá tiềm năng trong những năm gần đây dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Ngay tại TP.HCM cũng chưa có nhiều chính sách thu hút khách Hồi giáo nói chung.
Trả lời câu hỏi của ông Cương nói trên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết cơ quan này chưa chia dòng khách theo tôn giáo riêng lẻ, nhưng luôn khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cần có bếp ăn Halal để phục vụ du khách Hồi giáo.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc The Outbox Company phân tích, không chỉ Ấn Độ mà ngay cả nguồn khách Đông Nam Á, dường như Việt Nam cũng chưa đặt nhiều sự quan tâm. Mặc dù theo thống kê 6 tháng đầu năm, lượng khách từ nhiều thị trường đến Việt Nam đều có tăng trưởng, nhưng nếu xét kỹ trong Top 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam, khu vực Đông Nam Á chỉ có 3 cái tên là Malaysia, Campuchia và Thái Lan, nhưng mức tăng khá khiêm tốn với Malaysia tăng 9,3%, Campuchia tăng 17%, riêng Thái Lan giảm 14,8%.
Một khảo sát gần đây của The Outbox Company cũng cho thấy người dân của các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… không xét Việt Nam là ưu tiên lựa chọn khi đi du lịch.
Chia sẻ góc nhìn của mình với ĐTTC, ông Đặng Mạnh Phước cho rằng, so sánh du lịch Việt Nam và Thái Lan là khá khập khiễng, tạo áp lực cho cơ quan quản lý. Thái Lan có những đầu tư và ưu tiên rất lớn cho ngành du lịch. Việt Nam nên nhìn sang các quốc gia trong top gần mình hơn như Malaysia hay Indonesia để có những chuyển động phù hợp.
Theo Thanh Lâm/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 1/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này