10:21 - 30/03/2018
Du lịch trực tuyến: xu hướng tất yếu… nhưng đang yếu
Tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử, nhưng vẫn “rất yếu”.
Không thể đứng ngoài cuộc
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.
Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cho thấy: có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới…
Chia sẻ về xu hướng mới này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay: “Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại điện tử toàn cầu trong lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất. Đó chính là biểu hiện rõ rệt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ và rõ ràng không thể đứng ngoài cuộc…”.
Cũng theo chuyên gia về du lịch này, để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì việc cần ưu tiên phát triển du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch trực tuyến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong các khâu quảng bá, cung cấp dịch vụ… Du lịch trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách.
Một giám đốc truyền thông của doanh nghiệp du lịch Tugo cho hay, ngay từ khi ra đời và hướng đến du khách quốc tế, doanh nghiệp này đã xác định đầu tư công nghệ thông minh. Nhận thấy rằng các doanh nghiệp truyền thống tốn chi phí cho vấn đề truyền thông cũng như đặt các văn phòng, nhân sự… do đó, hướng của Tugo đặt ra là truyền thông trên hệ thống mạng xã hội, Facebook, YouTube… và ứng dụng công nghệ thông tin.
“Ban đầu, chúng tôi gặp vấn đề về nhân sự khi tỷ lệ cuộc gọi nhỡ lên tới 60%. Sau đó chúng tôi đã cải thiện công nghệ và giảm tỷ lệ xuống còn 20%. Sau 3 năm đạt gần 400 tỷ đồng nhờ áp dụng CNTT” – đại diện Tugo chia sẻ. Theo ông Vũ Thế Bình, đây là một con số đáng lưu ý đối với một doanh nghiệp non trẻ khi áp dụng CNTT.
Doanh nghiệp cần chủ động
Theo nhận định của Tổ chức du lịch thế giới, năm 2017 “Quản lý du lịch trong không gian số đang là vấn đề được xem xét và nghiên cứu trên quy mô toàn cầu, đặc biệt đối với yêu cầu cạnh tranh công bằng”.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển du lịch trực tuyến ở nước ta cần có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, mà đặc biệt cần sự năng động của đội ngũ doanh nghiệp du lịch…
“Sự thay đổi này không chỉ là phương thức kinh doanh mà là tư duy, phương thức làm việc, có kiến thức chuyên môn phù hợp. Chắc chắn du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế ứng dụng nhanh và thành công khi phát triển du lịch trực tuyến”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, cho biết từ năm 2004, doanh nghiệp này đã nhận thức hiệu quả và vai trò của ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng kinh doanh và luôn tiên phong trong việc xây dựng các giao diện, website về du lịch, tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.
Kết quả thu được khá khả quan khi 10 tháng năm 2017, doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 129 tỷ đồng. Song ông Tài cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng so với kinh doanh truyền thống thì hiệu quả doanh thu trực tuyến vẫn còn rất nhỏ (129/4.250 tỷ đồng). Nguyên nhân được chỉ ra là dù tỷ lệ sử dụng mạng internet cũng như điện thoại thông minh rất lớn nhưng do tập quán, thói quen, phần khác do trình độ khai thác ứng dụng phần mềm du lịch chưa đồng đều dẫn tới sự phát triển chưa được như kỳ vọng.
Con số do ông Lê Tuấn Anh, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) đưa ra cho thấy hiện trong nước có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử.
Song sàn giao dịch điện tử trong nước chỉ mới thực hiện khoảng 20% giao dịch các dịch vụ, còn lại là các sàn giao dịch nước ngoài thực hiện. Điều này cho thấy để du lịch thực sự bứt phá với CNTT trước hết cần có sự dấn thân, chủ động hơn nữa của chính các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói trước khi chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này