09:12 - 11/06/2019
Chợ nổi bây giờ… vắng lắm!
Chợ nổi Cái Răng bây giờ vắng lắm. Phần lớn là thương lái mua đi bán lại, còn du khách thì chỉ đi chơi, chụp hình, ngắm cảnh chứ không mua sắm gì nhiều.
Nếu muốn duy trì chợ nổi thì phải dạy thương hồ cách làm du lịch, có thu nhập từ du lịch thì thương hồ mới sống được!
Đó là lời bà Bảy Ẩn (Nguyễn Thị Ẩn), năm nay 77 tuổi, hai đời trước đó buôn bán ở chợ nổi Cái Răng, Phong Điền. Bà cho biết, tới đời thứ ba thì bán ghe bầu, chỉ chừa lại một chiếc nhỏ để chạy đi vườn, đi chợ chở hàng lai rai về bán đồ rẫy thôi, “vì chợ nổi bây giờ vắng lắm”!
Nghe những nỗi niềm!
Chị Trần Thị Ngọc Hằng, năm nay 41 tuổi, bám chợ nổi Cái Răng tương đối lâu, kể: “Nếu tính luôn thời theo cha thì thời gian sống với chợ nổi từ Trà Ôn, Ngã Bảy tới Cái Răng, tròn 30 năm. Hồi tui còn con gái, đi bán vui lắm, chợ đông – người mua, người bán – tấp nập. Lúc thì đi bán khoai, trái cây, rau củ theo mùa. Có chuyến cha tui trúng mối sắm cả cây vàng. Nhưng hiện giờ tui chỉ bán khoai, giá cân sỉ chỉ 4.000 – 6.000 đồng/kg. Từ đầu năm tới giờ bán ế, neo ghe hơn chục ngày mới bán hết một chuyến hàng.Bạn hàng đi đâu mất tiêu hết trơn, riết rồi toàn là ghe sỉ và ghe chở khách du lịch”.
Theo chị Hằng, nhiều khi chợ nổi Cái Răng cũng đông, nhưng đó là cái đông của chợ ế khi ghe từ Cái Bè, Long Xuyên buôn bán không được chạy về đây nằm chờ thời. Không gặp thời thì bán ghe, lên bờ đi “Bình Dương” (là từ để chỉ những người ở miền Tây không thành công phải bỏ xứ đi kiếm sống ở miền Đông). “Nhiều khi nghĩ con cái lớn rồi muốn nó khỏi mang tiếng dân bán khoai chợ nổi, ít học – khó lấy vợ, nhưng tui chưa nghĩ tới chuyện bỏ ghe vì nghề này đã lâu, quen rồi, làm gì thì cũng có đồng vô đồng ra, ráng làm để nuôi tụi nhỏ ăn học”, chị Hằng trăn trở.
Vẫn còn chút niềm vui
Là bạn hàng của thương hồ, ông Năm Hận (Trần Văn Hận), ở Giai Xuân, Phong Điền, nói chiếc ghe 5 tấn này là để mua hàng, nào bắp cải, củ hành, hành lá, củ sắn, khoai lang, dưa hấu… về bỏ mối cho ghe nhỏ, sạp. Ông kiếm lời từ 500 – 2.000 đồng/kg hàng tuỳ loại. “Chợ này bây giờ khách du lịch đến đông, nghe nói sẽ quy hoạch lại. Nếu có một cái bến tập kết hàng, để lên xe tải thì quá tốt. Khách du lịch thích cái gỉ cũng tự nhiên, nhưng dân buôn bán thì muốn tiện lợi”, ông Năm Hận nói.
Mỗi ngày, hát – hò phục vụ cho khoảng 200 lượt khách, ông Nguyễn Anh Dũng, thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử chợ nổi Cái Răng, nói bảy thành viên câu lạc bộ tự quản, tự thu, tự chi. Từ ngày có đề án bảo tồn chợ nổi, cái lợi dễ thấy nhất là bà con được hỗ trợ vay vốn tín dụng để làm ăn. Trong xóm có khoảng 50 người được vay tín chấp, mức vay 20 – 50 triệu đồng, tình trạng an ninh trật tự khá hơn, trộm cắp không còn, nhưng chuyện chèo kéo khách thì vẫn xảy ra. Bây giờ bình quân một ngày có hơn 300 ghe, lúc cao điểm lễ, tết tới 500 ghe. Ông Dũng có một điều ước: “Tụi tui khoái có một tổ chức nào đó về đờn ca tài tử chuyên nghiệp ở đây, có đầy đủ dụng cụ nhà nghề, chứ như bây giờ thì cây nhà lá vườn, chưa đượcbài bản, chuyên nghiệp”.
Đi chợ để chụp hình
Chợ nổi Cái Răng từ lâu đã trở thành địa chỉ sáng tác của nhiều nhiếp ảnh gia, những người đam mê chụp ảnh. Võ Huy Thắng, cựu sinh viên ngành sư phạm Pháp văn, ĐH Cần Thơ – người có bộ ảnh đầu tay từ năm 2015, cho biết: “Chợ nổi có quá nhiều thứ độc đáo để làm một album ảnh về cuộc sống thương hồ. Nhưng ảnh sẽ phong phú, có hồn và cảm xúc nhiều hơn nếu tác giả có thời gian sống chung, lắng nghe từng câu chuyện của những người dân sống ở đây”.
Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này