18:09 - 01/12/2015
Chiếc thìa vàng 2015: Những hạt giống đỏ
Ngày 3/12/2015, lễ “đăng quang” nhà vô địch cuộc thi Chiếc thìa vàng sẽ diễn ra trang trọng tại khách sạn Caravelle, TPHCM.
Ai sẽ soán ngôi quán quân từ bếp trưởng Caravelle Trần Thái Bảo – nhà vô địch 2014? TGTT điểm danh vài hạt giống đỏ của vòng thi đặc biệt này.
Người được nghề bếp chọn
Đó là Nguyễn Huỳnh Vi Vương, đội trưởng đến từ khách sạn Continental Sài Gòn.
Từ nhỏ, Vương đã học rất giỏi. Nhưng rồi học tài thi phận, ước mơ làm luật sư của anh không thành khi chỉ cách đích đến có 0,5 điểm. Vương chọn một ngã rẽ khác, là trường cao đẳng Thực phẩm. Cũng trầy trật với giấc mơ tham gia những công ty lớn, Vương lấp đầy khoảng thời gian trống của mình bằng việc tham gia một lớp căn bản về nghề bếp của khách sạn Continental tổ chức. Rồi mọi việc tưởng chừng chỉ là cuộc dạo chơi, lại trở thành một cái nghiệp không dứt ra được.
Tự học tiếng Pháp để hiểu tài liệu ẩm thực của quốc gia hoa lệ này, lại hiểu sâu về cấu trúc thực phẩm, Vương còn có một lợi thế mà ít người biết: anh là một nghệ sĩ đờn ca tài tử chuyên nghiệp. Chính cái nghệ sĩ, cái phóng khoáng, cái mênh mông trong những câu ca này là thứ dễ làm cho người ta thăng hoa trong nghề nghiệp, đặc biệt, là khi phải đối diện những điều không dự đoán trước được của phần thi Chiếc hộp bí mật trong vòng chung kết.
Người vẽ bản đồ Việt Nam
Gây ấn tượng mạnh trong các phần thi ở Hà Nội và bán kết phía Bắc với dĩa thức ăn hoạ hình bản đồ tổ quốc là đội trưởng Nguyễn Minh Phúc đến từ khách sạn năm sao Sofitel Plaza Hà Nội.
Nhìn anh tỉ mỉ tạo hình hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam với bột tiêu và muối ớt mới thấy hết tình cảm mà anh dành cho tổ quốc, có lẽ còn lớn hơn tình yêu đối với ẩm thực. Đây cũng là đội thi có lợi thế rõ ràng về các kỹ thuật nấu, dụng cụ thao tác cũng như phương thức ra thực đơn hoàn chỉnh nhất.
Không chỉ vậy, Phúc từng nấu thành công món phở truyền thống nhưng hương vị hiện đại, vượt qua những thách thức về khẩu vị khó tính nhất.
Người mê món ăn dân dã
Có thâm niên 13 năm làm đầu bếp chuyên nghiệp, đội trưởng Vũ Văn Thành – người hai lần vô địch vòng sơ kết và bán kết phía Bắc của Chiếc thìa vàng 2015 lại quan niệm: tìm những giá trị cao cấp nhất của món ăn bình dân là xu hướng ẩm thực mới nhất và món truyền thống đang trỗi dậy của ngành ẩm thực hiện đại.
Đầu bếp sinh năm 1981 này minh chứng bằng cách đưa quả bưởi vốn phổ biến ở Việt Nam để khởi đầu cho thực đơn, một món ăn đan xen mùi vị chua – ngọt – hanh he.
Loại bưởi Diễn được anh đem đến vòng bán kết phía Bắc, đủ “ngầu” để đến giờ, mọi người vẫn bàn tán. Anh biến tấu thành ba món: xúp tôm bưởi, thạch bưởi và nộm bưởi. Trong đó, để có món xúp nguội đầu bếp này dùng nước ép bưởi, thêm một ít gia vị như nước mắm, ớt và tôm bằm nhỏ. Để cân đối món nước – món khô, tép bưởi sẽ được sử dụng cho món nộm (gỏi) đặt đối xứng.
Người “lên tay nghề” nhanh nhất
Đó là bếp trưởng Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên của khu du lịch Phương Nam, Bình Dương. “Chàng lính chì” là biệt danh mà những người theo dõi cuộc thi dành cho chàng thí sinh trẻ tuổi nhất qua cả ba năm tham dự cuộc thi. Trong trận tranh tài chung kết 2014, Tuyên bắt đầu thực sự toả sáng và được trao một giải đặc biệt: giải tài năng trẻ. Thế mạnh lộ rõ ở Tuyên, là sự ham học, và học rất nhanh. Nhớ năm đầu tiên, khi đại diện cho một nhà hàng ở Bến Tre tham dự, Tuyên trưng bày bàn tiệc rất cầu kỳ, nhưng năm sau, mọi thứ đã khác. Anh dành hẳn nửa năm trời để đi tìm và học đúng ở người thầy mà theo anh là giỏi nhất trong khâu food stylish.
Năm nay, vẫn rất trẻ, nhưng kinh nghiệm chinh chiến của chàng trai này dày dặn thêm và nhiều người đặt cược vào tài năng và sức bật của anh.
Người “trong lò”
Một đầu bếp chưa kịp 30 tuổi, có máu mê ca hát, học đại học Luật Hà Nội, vừa giành chức vô địch vòng bán kết phía Nam cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015 quả là chuyện lạ. Nhưng nếu đã quen biết Nguyễn Võ Anh Duy của làng du lịch Bình Quới lâu một chút, sẽ thấy giải thưởng này chính là lời đáp của hành trình tìm kiếm món ăn Việt, cũng như quá trình khổ luyện của anh.
Mọi người gọi chiến thắng này là chiến thắng của gia vị lạ, góp thêm “món mới” vào bản đồ gia vị Việt Nam mà cuộc thi đang gắng sức xây dựng. Nhưng với nhiều người thì không phải vậy, ít ra là với người viết bài này. Đây là thành tựu của quá trình tìm kiếm không ngừng trong suốt nhiều năm qua của Duy và đồng đội, có thể có cả những người thầy của anh nữa.
Duy chia sẻ: “Bình Quới là nơi theo đuổi việc tìm kiếm các món ăn dân dã từ lâu rồi. Tôi được thừa hưởng cái di sản đồ sộ này, không chỉ là các món ăn, các mối quan hệ địa phương mà còn là thói quen lúc nào cũng muốn có món mới, món lạ từ các nơi. Do đó, nói khổ luyện thì chỉ đúng một phần, mà phần lớn là do được truyền đam mê và thành một phản xạ với ẩm thực thôi”.
Gọi Duy là người “trong lò”, vì anh có nhiều lợi thế của việc được đi, thử nghiệm, chơi với tất cả những nguyên vật liệu lạ lùng nhất từ cái “lò” Bình Quới này. Đó cũng là một lợi thế vượt trội khi đối đầu với Chiếc hộp bí mật…
Trần Nguyên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này