12:08 - 17/02/2019
Bên nồi trôi nước ngày tết Miến quắt quay nhớ tết cũ
Có lẽ hầu hết mọi người sẽ thấy chẳng có tí tẹo liên đới giữa cái nồi sôi sùng sục bồng bềnh đảo chao các viên bột tròn trắng ở cố đô Yangon xứ Miến với tết Việt.
Nhưng riêng tôi, mấy bữa đó hết đi tạt, té nước, nhảy nhót hét hò là cứ về quẩn quanh bên những nồi trôi nước. Miên man nhớ tết Việt xưa.
Thingyan là tết Té nước hay tết năm mới cổ truyền của Miến Điện, như Pimai của Lào, Songkran Thái… diễn ra đầu mùa mưa, giữa tháng 4 hàng năm.
Giản đơn lớp bột nếp gói nhưn cục đường nhỏ, thường là đường thốt nốt, bánh trôi Miến không đa dạng như các loại chè, bánh trôi Việt đủ thứ từ nhưn hột đậu phụng rang, đậu xanh nghiền, đậu xanh sầu riêng, đậu đỏ, trà xanh, khoai lang tím, mè đen, sôcôla… đến cả phiên bản tôm thịt rim, heo quay xứ Thần kinh. Nhưng ôm chứa cả tấm chân tình, nỗi mong ước giản dị thiện lành của người Miến trong ngày sum họp đầu năm.
Như bánh chưng bánh tét không thể thiếu trong mâm cúng ngày Nguyên đán, bánh trôi luôn có trong tết năm mới Miến. Đằm thắm ngọt ngào, tròn trĩnh đầy đặn, như ước mong cho cuộc sống no đủ phồn thịnh. Nhưng quan trọng hơn khi tượng trưng cho ý nghĩa, mong muốn đoàn viên, khi là món ăn của tập thể, của xóm giềng, làng phố cùng chung tay. Đại gia đình, người đi xa về, kẻ ở lại nhà, hàng xóm, bạn bè kẻ ngào bột, người chặt đường làm nhân, nấu nước, bào dừa, lửa củi, canh vớt bánh chín… Bên nồi bánh trôi xứ bạn mà cứ như những đêm cuối chạp người Việt quanh nồi bánh chưng bánh tét. Lửa nhảy múa, sực nức hương gừng toả từ nồi nước sôi sùng sục gợi khơi miên man về những chảo rim mứt gừng ngày cũ má làm không phải để khoe tài khéo tay, mà để bán tết, đỡ đần lũ con đông có thêm tấm áo mới, mâm cơm cúng gia tiên năm mới thêm chút vun đầy. Bên nồi bánh người Miến hàn huyên chuyện cũ mới sau những ngày cách xa gặp lại, kể nhau dự định ước mơ. Hâm nóng, kết nối những giềng mối nếu lỡ có chút lạt phai. Khách phương xa lạ hoắc cũng được thân mật rủ rê, kéo tay sà vào bàn ân cần han hỏi, biểu bắt tay vô làm cùng. Mắt người lang bạt đi ăn ké Thingyan rất dễ bị cay. Không chỉ bởi đám củi khói mịt mù do ướt sũng mưa tháng 4 đầu mùa, và cả những súng bắn nước, ca, thùng, xô… tạt mừng năm mới.
Rồi sau đó được mời mọc nhiệt thành. Hầu như mọi nơi chỉ đơn sơ những viên bánh tròn trắng xinh xinh rắc thêm đám dừa non nạo sợi sừn sựt giòn ngọt. Ở hẻm nọ hiếm hoi thấy chúng bồng bềnh trong ly nước đường hôi hổi khói sực thơm mùi gừng ấm. Còn ở lữ điếm tôi tá túc, cô quản lý hình như đi Thái Lan hơi nhiều, nên bánh được bỏ chung với bánh lọt xanh trắng, đậu đỏ đậu đen, bột báng… trong nước cốt dừa béo ngậy. Để rồi có lần khách lạ – có lẽ được “ưu tiên” hơn người nhà chăng, mắt bỗng ứa lệ như muốn khóc thiệt. Không phải quá xúc động với chân tình nhận được, mà do cắn trúng viên bánh trôi đặc biệt có nhưn ớt chỉ thiên cay khủng. Té ra đó là lý do lúc nãy lăng xăng làm bánh ké, thấy trong góc mấy cô gái trẻ, các nhóc tì hí hoái lăn lăn, viên viên gì đó rồi phá lên cười. Thay vì nhận được chiếc nhẫn cầu hôn (!?) trong bánh kem như mấy chuyện lãng mạn bên trời Tây, tôi biết thêm tập tục mới hay ho bánh trôi chay xứ bạn. Vì cái bánh nhân ớt đó – sau bữa cay đắng sẽ đến hôm ngọt bùi, được người bản xứ xem là bánh may mắn rất khó gặp được (!?) trong hàng trăm, ngàn cái viên “vừa trắng lại vừa tròn” đang “bảy nổi ba chìm” lùng bùng nhảy múa trong nồi nước kia.
Đã hai mùa tết Té nước sang xứ bạn chơi, lại ngồi khơi khơi nhớ tết mình. Cứ tưởng sẽ được tiếp tục rong chơi, thoả lời hứa sẽ về thăm ngày Thingyan sum vầy, nhưng nỗi áo cơm đã phải lỗi hẹn. Giờ những ngày cuối năm xôn xao đang đến, lại cồn cào nhớ những bữa vui bên nồi trôi chay đầy tình thương mến thương. Chắc sang năm mới tới tháng 4 sẽ có kẻ ngân nga ca “chiều nay trên bến muôn phương, có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường”…
bài, ảnh Hoàng Bảo (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này