09:56 - 05/06/2024
Bất ngờ khách quốc tế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, Việt Nam tiếp tục đón gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,58 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ.
Điểm đến hấp dẫn hơn
Những ngày đầu tháng 6, Việt Nam tiếp tục đón siêu tàu biển 5 sao Resorts World One đưa hơn 2.200 du khách quốc tế đến tham quan TP.HCM và Côn Đảo – 2 điểm đến trong hải trình 5 ngày khám phá khu vực Đông Nam Á. Đến TP.HCM và Côn Đảo, du khách đã được tham quan, trải nghiệm Vườn Quốc gia Côn Đảo – trekking khám phá rừng nguyên sinh; đi ca-nô ra hòn Bảy Cạnh, hòn Cau tham quan khu ấp trứng rùa Côn Đảo – khu rừng ngập mặn, lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak, thuyền sup…
Đơn vị khai thác và phục vụ đoàn tàu biển quốc tế đến Việt Nam lần này là Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc công ty, cho biết đoàn khách quốc tế trên siêu tàu biển Resorts World One có phản hồi rất tốt về 2 điểm đến. Chủ hãng tàu cũng hứa năm sau sẽ tiếp tục đưa tàu trở lại Việt Nam.
Trước đó, trong 5 tháng đầu năm, Lữ hành Saigontourist đã phục vụ hơn 60.000 lượt khách du lịch tàu biển quốc tế, tăng 15% so với năm ngoái. Trong đó, Côn Đảo liên tục nằm trong danh sách dừng chân của nhiều hãng tàu biển quốc tế trong hành trình đến Việt Nam. “Công ty cũng sẽ đẩy mạnh sản phẩm du lịch nước ngoài theo loại hình fly-cruise (kết hợp hàng không và tàu biển quốc tế) cho khách Việt Nam với những hải trình trải dài từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ….” – ông Lưu nói thêm.
Theo thống kê của nền tảng kỹ thuật số Agoda, trong tháng 5/2024, Việt Nam là điểm đến tăng trưởng nhanh thứ 3 ở châu Á. Agoda cũng ghi nhận lượt tìm kiếm nơi lưu trú của du khách châu Âu tăng 52% vào tháng 4 cho hành trình du lịch châu Á vào mùa hè năm nay. Đáng chú ý, điểm đến Việt Nam ghi nhận lượng khách tìm kiếm tăng 66% từ châu Âu, chỉ đứng sau Malaysia và Nhật Bản.
Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc quốc gia Agoda Việt Nam, cho biết sự gia tăng trong lượt tìm kiếm về du lịch Việt Nam so với năm ngoái thể hiện sức hút ngày càng lớn của Việt Nam. Ngày càng có nhiều du khách châu Âu lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho kỳ nghỉ hè, trong đó Pháp, Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha là các quốc gia có lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam nhiều nhất.
Đầu tư cho quảng bá, chất lượng sản phẩm
Một diễn biến đáng chú ý gần đây là khách từ thị trường Ấn Độ cũng tăng trưởng tích cực. Số liệu của Cục Du lịch quốc gia cho thấy trong 5 tháng qua, khách Ấn Độ tới Việt Nam đạt gần 200.000 lượt, tăng gần 140% so với cùng kỳ năm ngoái và đứng thứ 7 trong các thị trường gửi khách tới nước ta.
Ấn Độ là thị trường khách tiềm năng không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Theo đánh giá của tờ The Economic Times, ước tính năm nay, người dân Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài.
Bà Thái Phương Hòa, Tổng Giám đốc Sun World – Tập đoàn Sun Group, nhận định dòng khách Ấn Độ ngày càng quan tâm và yêu thích các điểm đến của Việt Nam. Trong đó, Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng được đánh giá là điểm đến mới lý tưởng dành cho các sự kiện đám cưới, kỷ niệm, đính hôn… của tầng lớp thượng lưu và trung lưu Ấn Độ. “Khách Ấn Độ có xu hướng thích những điểm đến có thời tiết mát mẻ, cảnh quan đẹp hoặc có biển đẹp, thích mua sắm và các dịch vụ giải trí. Họ cũng ưu tiên các điểm đến có dịch vụ và nhà hàng ẩm thực phù hợp với thị hiếu và thói quen của họ như các món Ấn, chay hoặc Halal food” – bà Phương Hòa nói.
Để khai thác hiệu quả dòng khách Ấn Độ, Tổng Giám đốc Sun World cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với văn hóa và thị hiếu đặc biệt của thị trường khách này. Doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách hỗ trợ visa ngắn hạn cho khách Ấn Độ nhằm tạo cú hích đột phá cho sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường đầy tiềm năng này, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. “Sự tăng trưởng tích cực của dòng khách này có thể bù đắp phần nào sự thiếu hụt lớn của một số thị trường khách quốc tế truyền thống của Việt Nam trong thời gian gần đây. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân sự du lịch chuyên phục vụ du khách Ấn Độ. Quan tâm đầu tư cho ẩm thực Ấn Độ tại các khu, điểm đến du lịch” – bà Phương Hòa nói.
Thực tế, bên cạnh việc thưởng thức ẩm thực của những vùng đất mới, đa số du khách Ấn Độ vẫn trung thành với ẩm thực Ấn Độ và thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, số lượng đầu bếp có thể nấu được các món Ấn Độ ở Việt Nam còn rất thiếu.
Cùng với đầu tư sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần tập trung quảng bá, xúc tiến với những chiến lược ở quy mô lớn để lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam với quốc tế. Theo ông Nguyễn Thành Lưu, ngành du lịch cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm, truyền thống và cả thị trường tiềm năng. Như TP.HCM gần đây làm rất tốt hoạt động quảng bá, xúc tiến ở thị trường nước ngoài, đi cùng với những sự kiện, lễ hội trong nước để thu hút khách du lịch, trong đó có khách quốc tế. Tuy vậy, cùng với xúc tiến, quảng bá còn phải duy trì chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch, bởi dịch vụ chưa tốt, khách đến rồi không trở lại sẽ phải tốn kém để thu hút khách mới.
Theo Thái Phương/Người Lao Động
Ngày đăng: 5/6/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này