17:08 - 02/03/2017
Bản Thái, xuân trên những triền sóng lá xanh
Thái ở đây là Thái Lan, chứ không phải ở Tây Bắc mình. Rực rỡ xuân lạ, mộc mạc tình xa, thêm chút dư hương ngày đông còn nuối… tạo phong vị lạ đẹp Mae Salong.
Ngày xuân đó tôi tìm về miền cao nguyên đã một lần hụt, trên hành trình nổi trôi theo Mekong nhiều năm trước. Ngày cũ, tôi lần khân ở xóm nhỏ Thaton, nơi sẽ rẽ theo hai cung du lịch hấp dẫn. Hoặc lênh đênh sông Kok về với Mekong.
Hoặc ngược núi đến Mae Salong. Tính toán đủ đường, rồi mải vui trễ tràng cả hai tuyến, tôi ra đi lòng đầy những sân si. Nên dù sắc xuân tràn trề thành Chiang Rai, tôi vẫn kiên quyết thuê xe phi đến Mae Salong. Bỏ qua cảnh báo đầy thương cảm của cô chủ tiệm “trên đó còn lạnh lắm, anh đi làm gì?”
Miền lịch sử rối ren cuốn hút
Xuân miền Bắc Thái nhiều nơi đẹp, nhưng Mae Salong hút tôi không chỉ vì “con cá hụt là cá bự!” mà vì nguồn gốc, biến động lịch sử, dẫn đến nền văn hoá lạ.
Mae Salong, còn gọi Doi Mae Salong. Chiếu theo ông Bình Nguyên Lộc, nguồn gốc tiếng Việt, sự tương đồng về ngôn ngữ dễ thấy ở đây. “Doi” trong tiếng Thái cũng là “đồi” núi của mình. Nên dễ biết Doi Mae Salong là miền rừng núi. Cũng như mối liên quan chặt chẽ xuất xứ người vùng này với nguồn gốc của người Việt – nếu chấp nhận giả thuyết của nhà nghiên cứu cũng là nhà văn, nhà báo độc đáo này. Một thông tin lý thú khác về cái tên Tam Giác Vàng lừng lẫy mà nhiều người biết đến là miền đất sầm uất Sop Ruak ở ngã ba sông biên giới Lào – Thái – Miến. Nhưng chính Mae Salong này, cách ngôi làng du lịch đó hơn 100km mới từng là trung tâm của Tam Giác Vàng. Nghe là đã tò mò!
Thông tin thú vị tiếp là cuộc tản cư những năm 1950. Thất bại trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc, thay vì di tản đến Đài Loan như phần lớn binh sĩ Quốc dân Đảng, nhiều người băng rừng xuyên núi sang Miến Điện. Rồi vì các áp lực, họ lại băng biên giới, long đong đi tiếp sang đây, đất lành chim đậu. Ở miền phên giậu, chiến trận xuyên biên giới hay ngay trong nội địa Thái vẫn tiếp tục, khi bùng lên, lúc âm thầm… cho đến gần cuối thế kỷ 20. Đan xen với binh lửa phức tạp là những rối ren khác của miền đất từng là nguồn cung cấp thuốc phiện chính cho cả thế giới…
Nên Mae Salong bí hiểm ít bước chân lạ. Mãi đến những năm cuối thập niên 1990, khi những nỗ lực, thương thuyết, hoà đàm… cuối cùng đã thành công. Mae Salong giờ yên ắng lắm, nhưng đa sắc thú vị nhờ những giao thoa văn hoá, tập tục đắp bồi thêm theo dòng lịch sử, cũng như những dòng người từ nhiều miền. Cỏ cây cũng hơi khác, dù mùa xuân nơi đâu lại không nhiều hoa lá.
Những triền sóng lá xanh
Băng qua những dốc đèo uốn lượn, rất dễ nhận biết khi vòng xe chạm ngõ Mae Salong – những đồi trà nối tiếp thênh thang. Ngày nào trước, đó là những cánh đồng anh túc rực rỡ, giờ thay bằng loại cây kinh tế khá quen thuộc với những người di cư đến từ cao nguyên Vân Nam bên kia biên giới, nổi tiếng với chè, với trà, trong cả những câu chuyện giang hồ của chàng lãng tử Đại Lý, Đoàn Dự. Nhưng lưu ý tý là hoa trà của Mạn Đà Sơn Trang không phải là hoa của cây trà, cây chè chúng ta vẫn uống đâu nhé. Sương sớm ngày giêng vẫn la đà trong nắng xuân óng ả, phủ lên những nương đồi chè tỉa cắt khéo léo, uốn lượn miên man như những con sóng xanh màu lá, tạo nên phong vị xuân rất riêng Mae Salong.
Nằm ở độ cao trung bình hơn 1.200m, quanh năm mát mẻ và hơi giá băng từ tháng 11 đến tháng 2. Ngày giêng tôi đến trời xuân nắng trong veo, nhưng lấp lánh giăng giăng “tuyết băng” giả, không tạo bởi con người mà do chính thiên nhiên. Trên lũ thông tùng thanh thoát, đám nhện giăng tơ chập chùng, rồi sương mù rơi, mưa nhẹ đọng, li ti đeo bám trên màn tơ mà nhìn xa, hoặc chịu khó photoshop tấm hình tý, rất dễ lầm là tuyết rơi. Nhất là có thêm lũ trạng nguyên đỏ rực cận kề – cứ tưởng Giáng sinh còn quẩn quanh. Chấm phá nét lạ cho mùa xuân hoa cỏ xanh đỏ vàng tím bời bời, Mae Salong đang rực lên cùng trang phục chẳng kiệm sắc của người quê miệt này.
Lạch bạch leo dốc, gài xe số 1 cả khi lên lẫn xuống, băng qua những bản làng người Dao, Akha, Hmong, Karen… con đường dẫn đến đỉnh đồi cao bảo tháp Phra Boromathat thanh thoát toạ lạc. Xa xa là biên giới Thái – Miến, là miền đất một thời là doanh trại cơ mật của vua thuốc phiện Khun Sa… Giờ xanh ngắt mênh mang những nương trà chấm phá mấy nét nhà yên. Tôi bắt đầu tiếc nhớ dù vẫn chưa xa khoảnh khắc xuân ấm áp bình an giờ khó kiếm lắm nơi quê nhà. Đến nao lòng!
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này