
23:43 - 19/02/2018
‘Anh yêu em như rừng yêu thú dữ’
Em có tin rằng lúc này âm nhạc đầy lên không gian thảo mộc không. Âm thanh rồm rộp dưới chân. Lá cây giòn tan. Mỗi chiếc lá như một phím đàn của cây dương cầm trời. Thứ âm thanh này vướng lên những rặng cây tả tơi, trơ cành kia. Nó không chịu tan đi, trong rừng khộp.

Xa xa, băng qua những hồ nước tự nhiên trong rừng thường xanh là những dải rừng khác, với cây thay sắc xanh sang đỏ và vàng, ấy là chỉ dấu của Dlie K’chik Erang.
Tôi chưa bao giờ khám phá bản thân mình. Rồi một ngày, tôi đi tìm tôi…
Âm nhạc lá khô đi lang thang. Những cành cây run rẩy. Sự tang tóc của cỏ cây. Cả trời đất nung cho hết màu xanh để chuyển sắc. Những tầng úa. Mênh mông lá khô, ngun ngút sắc đỏ và vàng, đến độ khi ở giữa lòng nó cứ nghĩ rừng không còn đường biên cho sắc màu nào khác. Lúc này đây đường dẫn của những cánh rừng ngọn đồi đi vào trống trơn giữa trùng trùng đỏ, vàng. Khái niệm về rừng thẳm đã không còn mà chỉ có thể gọi là úa thẳm. Thiên nhiên đang suy tư đó sao. Ngay những con chim đang hót hay đang làm tình nhau kia tan vỡ trong thanh vàng chói chang. Và những con thú thảng hoặc lướt qua, hay lững thững kiếm ăn phía xa tít cũng bị vàng hoá, thành những chấm nâu xám, tức là sắc màu thân thể chúng cũng nhạt đi, cho dù là loài voi – chủ soái rừng khộp. Dĩ nhiên giữa sự sống đang như không còn thế này anh không biết các loài kia sẽ ăn gì trong đó. Những cánh rừng đang thành tranh. Thiên nhiên “vẽ” đến vô biên, khôn cùng.
Mà thực ra cũng chẳng “vẽ”. Thiên nhiên đang chơi, chơi trò hoan ca của mình, trò chơi lụi tàn. Trò chơi sắc màu tự nhiên. Thiên nhiên đang quỳ mọp dưới vũ trụ. Thiên nhiên đang u buồn. Một thứ u buồn mà cõi người ngoài kia không hiểu được. Một thứ quỳ mọp ngoan lành. Mặt đất cát pha và lởm chởm cuội đất giữa mùa khô giờ đây chỉ dành cho lá vàng, còn côn trùng cũng biến đi đâu mất. Bất cứ thứ gì dưới đất, trên không va vào cũng phát ra âm thanh – nhạc rừng. Nhiều lúc không hiểu chiếc lá kia đang khóc hay cười. Anh đang trở thành con thú hoang trở về với rừng, thiên nhiên. Đây đang là buổi chia lìa của lá với cây, là sự hoan ca của vạn vật, hay là sự nức nở của đất đai, sự thổn thức của tiết trời từ ẩm sang khô, anh cũng không cần biết. Bản năng gốc của anh đương là lúc này. “Duyên”, theo Buddha, đã đưa anh gặp bản năng gốc, hay sự thôi thúc nào đó từ Charles Darwin trong hành trình tiến hoá của muôn loài mà linh trưởng là một trong đó.
Chẳng còn bóng dáng ẩm ướt nào ở nơi đây nữa. Chỉ có nắng nung nực, khô không khốc trùm xuống. Sự khắc nghiệt như căm thù, thẳng tay, không nhân nhượng. Thảo mộc và muông thú đánh vật với thứ nắng khô này.
Bao năm rồi vẫn thế. Dứt mưa trên cao nguyên rừng khộp vẫn chưa chịu đổ lá, mà phải đợi đến kỳ nắng cháy, no nê nóng, tràn đầy gió, và sự khô đủ tàn khốc thì cây mới rục rịch. Cây chỉ hết nhựa, lá chỉ cạn diệp lục khi tiết nung khô về, và rụng lá, động tác cuối của một chu kỳ sinh học trên thân thể một loài cây. Bao mùa hành hương, bao mùa thơ thẩn trên lá khô mà cuộc tình thảo mộc vẫn chưa rã. Em bảo anh là ngu ngơ, ngốc dại, điên rồ, hay nông nổi cũng được, nhưng anh tin em sẽ thay đổi toàn bộ thế giới quan của mình về vạn vật sinh tồn trong trời đất khi theo anh dẫu chỉ một mùa lá đổ. Anh nhắc mình đừng thấy lá vàng mà bảo mùa thu, lại càng không phải mùa đông. Những cánh rừng mưa nhiệt đới thường xanh ở Tây Nguyên vẫn đang đâm chồi nảy lộc, là đương xuân ở đó. Quy luật kia phải ngoại trừ những vùng rừng Dlie K’chik Erang – tiếng người Ê Đê bản địa – này. Lá đổ đúng mùa xuân theo suy nghĩ người Kinh của anh, rặt cây K’pang, nếu có chen vào thì chắc chắn là H’rach, K’chik – cũng thuộc loài cây họ dầu, và bao giờ cũng chọn thời điểm vui đón tết. Bản chất và không gian sinh trưởng kiểu này đúng là thu giữa mùa xuân. Mà thực ra, Tây Nguyên giản dị chỉ có hai đoạn tiết trời trong chu kỳ.
Chơi thành tâm với rừng khộp phải chấp nhận khốn đốn, thành thú hoang, như em từng nghe ở đâu đó “Anh yêu em như rừng yêu thú dữ” vậy mà. Bao mùa rồi em ạ. Anh muốn mùa máu thịt này không bao giờ kết thúc trong những dải rừng trùng trùng kia. Nhưng biết sao giờ, sau trút lá là màu xanh lại lên, đợi Yan H’jan (mùa mưa) về. Tiết lá đổ là thiên nhiên đang giả vờ chết.
Giờ thì em biết lý do anh khước từ em, dù em vẫn tinh khôi trong thế giới loài ta và quanh em vẫn đầy rừng xanh.
bài, ảnh Nguyễn Hàng Tình
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này