
15:21 - 04/02/2016
Trần Tiến Dũng: Chuyện hoa mai Sài Gòn
![[144028]lat_la_mai](https://thegioihoinhap.vn/data/uploads/2016/02/144028lat_la_mai-1024x576.jpg)
Lặt lá bai để mai nở đúng mùng 1 là cả một sự chuyên nghiệp để những người mua hoặc thuê có thể rước phước trong năm mới. Ảnh: TL.
Một tay bán cây kiểng trên đường Nguyễn Trãi sau khi làm vài chai bia, mặt đỏ kè đã lên giọng với khách hàng: “Sau khi lặt lá, ông bón nửa bịch phân này vào gốc cho tôi, phân hữu cơ không phản trắc”.
Rồi anh ta còn dặn đi dặn lại: “Nhớ bón nửa bịch thôi nghe cha nội. Dòm mặt cha biết là người nóng ruột. Cây mai nó trầm tĩnh – thanh tịnh, đâu phải hễ có tiền là biết chơi. Tôi thấy cha cũng hơn 50 tuổi rồi phải học tính của cây mai, nóng nảy mà làm gì, chuyện gì đến nó sẽ đến”.
Câu chuyện mang ý nghĩa “giáo dục phổ thông” về cốt cách chơi hoa mai của tay bán kiểng có lẽ đã lạc hậu. Tâm lý phổ biến tin rằng cây mai có tính thiêng, gặp được cây mai sung thì đời lên như diều gặp gió, còn như trong ba bữa tết gặp cây mai loe hoe vài cái bông thì coi như đời thúi hẻo sa vào vận tàn mạt.
Năm ngoái, một ông cán bộ to của một quận nội thành có cây mai quý trị giá cả trăm triệu, mới ngày 29 tết bung nở hoành tráng trước sân biệt thự.
Kẻ cận lân, người cận thân ai cũng trầm trồ – ham hố, còn hàng xóm thường trú trong địa bàn thì ghé mắt nhìn xuýt xoa chắc lưỡi.
Rồi chỉ qua một đêm, những “công dân không hộ khẩu” nào đó đã vượt rào nhà ông chặt trụi lủi cây mai. Ông cán bộ vì giữ quan điểm quần chúng nên đành bấm bụng không dám la làng. Thế rồi năm đó ông mất chức, đi tù.
Trong năm, cán bộ nhân viên dưới quyền ông cán bộ có dịp bổ sung thêm một giai thoại gắn liền với chuyện lên voi xuống chó của giới tư sản mới. Mai là loài cây đúng là linh hết ý.
Ngày nay để tránh chuyện hên xui của cây mai ám ảnh, giới nhà giàu và cán bộ to, cán bộ nhỏ thay vì mua sắm các cây mai đắt tiền họ chuyển qua thuê mướn. Dịch vụ cho mướn mai ngày tết nhờ vậy mà ăn nên làm ra kinh khủng.
Giám đốc một công ty chuyên nghề trồng và cho thuê mai ở Gò Vấp cho biết, đất vườn nhà ông sau khi bán bớt để chia cho con cái vẫn còn đủ để ông trồng rồi đem cho mướn 300 gốc mai vàng, giá cho mướn bằng khoảng 30% giá trị cây mai, không tính theo ngày mà tính theo lần cho mướn, chẳng hạn một cây mai có giá bán là 1 triệu thì cho khách mướn về chưng sáng nhà trong mười ngày tết là 300.000 đồng.
Ông giám đốc thổ lộ: “Mối lớn nhất đã đặt hàng tôi trong năm nay là một cơ quan nhà nước, họ mướn hai cây lớn, ba cây nhỏ, tiền mướn tổng cộng là 22 triệu”.
Một cây mai, nếu sinh sống ở môi trường đất vườn tự nhiên chắc chắn sẽ ở hàng “đại lão”, nhưng một khi trở thành mai “công chức” sống đời trong chậu ở các công ty thì kiếp số ngắn ngủi hơn.
Lý do đơn giản chỉ vì mỗi năm để có mai nở hoành tráng, nhà vườn bắt buộc phải ép mai chơi thuốc kích thích tăng trưởng. Gặp năm triều cường ngập úng hay bỗng nhiên trở lạnh bất thường như trong những ngày vừa qua, các “nàng mai Sài Gòn” sẽ bị phê thuốc liều cao để phục vụ nhu cầu “chơi hoa” của giới giàu tiền lắm của.
Một nữ chủ nhân vườn kiểng ở Thủ Đức, tâm sự: “Trong năm, Thủ Đức ba bốn lần bể đê bao, vườn mai nhà tôi ngập như biển, cây nào còn sống thì èo uột phải vô thuốc, vô phân để gỡ gạc ba bữa tết. Gần tới ngày lặt lá thì trời lại chuyển lạnh.
Mấy ngày nay vợ chồng tôi với bảy tám công nhân đêm phải bưng mai vào nhà ủ ấm, sáng ra chờ có nắng lại dọn ra cho mai sưởi. Dân có tiền Sài Gòn khó tính lắm, từng nụ mai phải có da có thịt, bông nở từng cánh phải tươi vàng mơn mởn họ mới ưng. Chiều chuộng họ khổ lắm chứ phải dễ đâu”.
Vườn kiểng của bà có khoảng 4.000 gốc cây kiểng các loại, năm ngoái bà cho mướn cả trăm gốc mai, còn riêng năm nay bà dự trù số gốc mai có người thuê muớn sẽ tăng gấp đôi, gấp ba.
Bà nói: “Không phải thấy có khách mà ham đâu anh ơi! Công ty tôi phải cho người đến khảo sát nhà, vị trí đặt mai sao cho phù hợp, chọn mặt gởi vàng mà! Mướn một cây mai quý phải có nhân duyên mới được”.
Trần Tiến Dũng
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này