
08:44 - 02/12/2016
TS Lê Nguyên Phương: ‘Giúp các em nói lên sự giận dữ’
Khi biết rõ những nguy cơ có thể tạo điều kiện cho bạo lực học đường phát sinh, chúng ta cần phải lập một kế hoạch toàn diện để phòng chống.
Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên thì có nhiều nguy cơ phát xuất từ chính các em.
Ngoài việc chúng ta cần giúp các em có nguy cơ sử dụng bạo lực quay trở lại học tập tốt hơn, được chẩn đoán và điều trị sớm những rối loạn tâm thần, các em còn cần được dạy các kỹ năng giao tiếp xã hội và giải quyết vấn đề.
Cha mẹ gợi mở cho con mọi lúc, mọi nơi
Chẳng hạn khi các em có khả năng trình bày những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng hơn và biết giải quyết những rắc rối trong quan hệ với bạn bè tốt hơn, thì liên hệ giữa các em và bạn bè có thể trở nên thân thiện hiểu biết mà chính các em cũng thấy vui vẻ hài lòng khi có lòng tự tin vào năng lực của chính mình.
Thậm chí các em học sinh cũng biết cách thuyết phục và giải quyết những xung đột giữa các bạn khác để ngăn ngừa bạo động xảy ra.
Đối với phụ huynh, họ cần được cố vấn về phương pháp dạy dỗ, kỷ luật và quản lý thời khoá biểu của trẻ.
Những chương trình có thể thực hiện gồm có tổ chức các lớp tập huấn các kỹ năng dạy con cái cho cha mẹ, giúp phụ huynh lập ra và truyền đạt các tiêu chí về hành vi rõ ràng cho con cái qua hành động và lời nói, giúp phụ huynh cải thiện biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái, và giúp phụ huynh nêu gương cho con cái noi theo.
Dạy con theo lối độc tài và bạo lực kể cả bạo lực bằng lời nói như nhiếc móc, nhục mạ, không chỉ góp phần tạo ra những đứa trẻ kém tự tin, ít tự trọng, mà còn tạo ra những em học sinh thích bắt nạt hay ngược lại là nạn nhân của các vụ bắt nạt. Ngược lại nịnh con, nuông chiều hay bênh vực con quá đáng, cũng có kết quả không tốt lành gì.
Trong gia đình cũng cần có một hệ thống thưởng phạt phân minh, bình đẳng, và nhất quán. Có thể trong xã hội chưa đạt được điều đó, nhưng không có nghĩa con của chúng ta cũng vì đó mà không được hưởng một hệ thống công bằng và nghiêm minh trong gia đình.
Con em của chúng ta cũng cần một lịch làm việc, học tập, giúp việc nhà, ăn uống, ngủ nghỉ, chơi đùa rõ ràng và hợp lý trong ngày. Lịch làm việc của trẻ phải hợp lý. Nếu chính chúng ta không theo nổi một thời khoá biểu do chúng ta lập ra thì chắc chắn con cái chúng ta khó mà theo nổi.
Xây dựng học đường nhân ái và dân chủ
Nhà trường cần phải xây dựng một chương trình đi đôi với một kế hoạch và chiến lược toàn diện, cũng như một quy trình hợp lý cho lãnh đạo và các nhà quản lý học đường cũng như cho giáo viên. Các chương trình này cần trình độ chuyên môn để xây dựng và thực hiện.
Vắn tắt, nhà trường cần có một chương trình xây dựng một môi trường học đường nhân ái và dân chủ, một chương trình phòng chống bắt nạt hiệu quả, một chương trình huấn luyện tính cương trực và quả cảm cho trẻ bị bắt nạt, một chương trình huấn luyện ý thức công dân và can thiệp bạo lực cho trẻ bàng quan, và cuối cùng là một chương trình huấn luyện đức tính và kỹ năng lãnh đạo cho trẻ có khuynh hướng thích bắt nạt người khác.
Con cái của chúng ta là tấm gương và là sản phẩm của tín niệm và lối sống của chúng ta. Nếu phương pháp giáo dục của chúng ta khiến chúng trở nên bạc nhược, yếu đuối,và phục tùng người lớn vô điều kiện thì đó là con đường dẫn con em chúng ta trở thành nạn nhân của bạo lực.
Nếu chúng ta sử dụng bạo lực đối với chúng hay dung túng sự ích kỷ và xem bạo lực là cách giải quyết vấn đề nhanh gọn nhất hay khôn ngoan nhất, thì chúng ta sẽ tạo ra những đứa trẻ sẵn sàng dùng bạo lực trong nhà trường và sau này cả trong xã hội.
Và khi đó không phải chỉ con cái chúng ta sẽ là nạn nhân của bạo lực trong học đường, mà mỗi người trong chúng ta đều có nguy cơ trở thành một nạn nhân của bạo lực trong xã hội.
TS Lê Nguyên Phương
Chuyên viên nghiên cứu tâm lý bạo lực học đường
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này