
15:22 - 10/07/2019
Nintendo chuyển một phần cơ sở sản xuất máy chơi game từ Trung Quốc sang Việt Nam
Ngày 9/7, một phát ngôn viên của Nintendo cho biết, hãng có kế hoạch chuyển một phần sản xuất máy chơi game cầm tay (Switch) từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Sony PlayStation và Nintendo Switch game tại Electronic Entertainment Expo E3 ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 14/6/2017. Ảnh: Getty Images.
Đây là nỗ lực đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của hãng sản xuất máy chơi game Nhật Bản.
Nintendo, hiện đang gia công gần như toàn bộ các sản phẩm máy chơi game tại các nhà máy ở Trung Quốc, đã có kế hoạch chuyển một phần nhà xưởng sang Việt Nam vào mùa hè này.
Người phát ngôn cho biết sự thay đổi này nhằm mục đích đa dạng hóa rủi ro và tránh khả năng tăng thuế quan tiềm tàng của Mỹ đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mỹ đã trì hoãn việc đưa ra vòng áp thuế quan thứ tư đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD sẽ bao gồm gần như tất cả mọi hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ.
Trong năm tài khóa 2018, khoảng 40% trong tổng số 17 triệu máy Switch được bán tại Mỹ – thị trường lớn nhất của Nintendo. Vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm các cách để tránh tác động từ thuế quan làm ảnh hưởng đến hoạt động của hãng, cũng như người tiêu dùng.
Một máy Switch hiện có giá bán lẻ khoảng 300 USD tại Mỹ khi không phải chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu lệnh áp thuế bổ sung 25% với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc có hiệu lực, giá mỗi chiếc Switch sẽ tăng lên hàng chục USD.
Năm nay, Nintendo đặt mục tiêu đạt doanh số 18 triệu máy chơi game cầm tay trên toàn cầu.
Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất nối lại đàm phán thương mại. Dù vậy, các nhà sản xuất toàn cầu vẫn lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài, khiến nhiều đơn vị muốn thay đổi kế hoạch sản xuất tại Trung Quốc.
Không chỉ Nintendo, các nhà sản xuất khác của Nhật Bản như Sharp cũng lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất laptop dành cho thị trường Mỹ tới Việt Nam. Trong khi đó, Ricoh dự định chuyển toàn bộ mảng sản xuất thiết bị máy văn phòng sang Thái Lan.
Duy Khiêm (theo TGHN/CNBC)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này