
14:34 - 23/05/2019
Nepal cấm tiệt ví điện tử Alipay và WeChat của Trung Quốc
Nói không với Alipay và WeChat Pay – hai ứng dụng ví điện tử đình đám của Trung Quốc được cho là một quyết định “dũng cảm” của chính phủ Nepal.
Lý do là bởi nhiều nước trên thế giới chấp nhận hai loại ví phổ biến ở Trung Quốc này để thu hút khách du lịch. Năm ngoái, số du khách từ Trung Quốc đến du lịch tại Nepal là 150.000 lượt.
Tuy nhiên, việc khách Trung Quốc chỉ sử dụng ví điện tử để thanh toán gần như cho mọi thứ khiến nước này mất đi một nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Khách Trung Quốc đặc biệt mát tay tại các nhà hàng, khách sạn và trung tâm mua sắm do chính người Trung Quốc điều hành, theo Hãng thông tấn AFP ngày 22/5.
Ông Laxmi Prapanna Niroula, người phát ngôn của Ngân hàng trung ương Nepal, nhấn mạnh đất nước của ông đang mất đi hàng đống ngoại tệ vì các giao dịch dù thực hiện tại Nepal nhưng thực chất tiền lại chảy về Trung Quốc.
“Chúng tôi quyết định cấm Alipay và WeChat bởi việc sử dụng hai loại ví này khiến đất nước chúng tôi mất đi nguồn thu ngoại tệ. Chúng tôi sẽ hành động nếu phát hiện bất kỳ người nào còn sử dụng hai nền tảng này”, ông Niroula khẳng định.
“Du khách Trung Quốc thường yêu cầu thanh toán bằng ví điện tử. Cấm cũng đồng nghĩa người dân chẳng làm ăn được gì nữa”, Sushil Koirala – chủ một tiệm trà ở Thamel – khu đông du khách nhất của thủ đô Kathmandu, than thở với AFP.
Một con đường tại khu vực này thậm chí còn được gọi là “Chinatown của Nepal” vì các nhà hàng và khách sạn đều do người Trung Quốc quản lý.
Du lịch là nguồn thu chính của Nepal. Năm 2018 đánh dấu một cột mốc mới khi Nepal đón hơn 1 triệu du khách đến nước này.
Ngành du lịch đóng góp 7,8% cho nền kinh tế năm 2017 và tạo ra hàng triệu việc làm cho đất nước, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới.
Ở Việt Nam, tháng 11/2017, Alipay đã thiết lập quan hệ hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thông qua việc ký kết thỏa thuận chiến lược giữa hai bên.
Ra mắt bởi Alibaba Group vào năm 2004, Alipay hiện có hơn 520 triệu người dùng đang hoạt động, chủ yếu ở Trung Quốc. Alipay đã được phát triển từ một chiếc ví kỹ thuật số cho đến một phong cách sống. Người dùng có thể gọi taxi, đặt phòng khách sạn, hẹn gặp bác sĩ, mua vé xem phim, thanh toán hóa đơn tiện ích hoặc mua các sản phẩm quản lý tài sản trực tiếp trong ứng dụng.
Ngoài các khoản thanh toán trực tuyến, Alipay đang mở rộng để thanh toán ngoại tuyến tại cửa hàng cả trong và ngoài Trung Quốc. Alipay đã triển khai dịch vụ tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm các thị trường lớn như Singapore, Anh, Bỉ, Pháp, Mỹ, Australia, Indonesia và hỗ trợ thanh quyết toán 18 loại tiền tệ phổ biến trên thế giới. Thị trường Việt Nam là một trong những thị trường mục tiêu tiếp theo của Alipay nằm trong chiến lược kinh doanh toàn cầu.

Các quán ăn, cửa tiệm tại một con đường của thủ đô Kathmandu dán các biển hiệu tiếng Trung Quốc và mã QR như một cách để thông báo họ cho phép thanh toán qua Alipay và WeChat Pay – Ảnh: AFP
Theo Tuổi Trẻ/VnExpress
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này