
07:52 - 16/01/2016
Chuyện về buổi họp phụ huynh ‘lạ nhất trần đời’
Đầu năm họp, cô giáo đòi tiền phụ huynh. Cuối năm họp, phụ huynh đòi điểm học sinh. Câu chuyện nối dài này chỉ vì giáo dục Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh điểm số, thi đua và cả câu chuyện… lạm phát của kinh tế.
Nhưng câu chuyện dưới đây của một cô giáo, lại đi ngược hoàn toàn những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng ra ở một buổi họp phụ huynh mà ta quen nghĩ.
Họp phụ huynh, băn khoăn tìm cách chuẩn bị làm sao cho cuộc họp phụ huynh lớp 12C16 của mình có hiệu quả khiến tôi không ngủ được. Những gì cần nói, cần dặn dò, tôi đã nói ở các cuộc họp trước hết rồi. Bây giờ bổn cũ soạn lại thì thật là chán chết.
Trằn trọc mãi, tự dưng tôi nghĩ ra một cách: thay vì mình nói, hãy để cho phụ huynh nghe tiếng nói của chính con em họ. Tôi bật dậy, ra trường sớm, nhìn lên thời khoá biểu của lớp thấy có tiết đôi của cô giáo dạy toán nên tìm cô xin mượn một tiết.
Thấy tôi xuất hiện và biết được nghỉ một tiết toán, cả lớp reo hò sung sướng. Thế nhưng khi nghe tôi bảo các em dùng tiết này để viết thư cho ba mẹ của mình thì chúng phản đối ầm ầm. Viết thư cho ai thì được chứ thuở nay có ai viết thư cho ba mẹ bao giờ!
Tôi dùng tất cả vốn ngôn ngữ hạn hẹp và những kiến thức ít ỏi của mình về tình cảm gia đình để thuyết phục các em nhưng chúng không chấp nhận.
Nào là ba mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng các em ăn học, ba mẹ phải biết các em cảm nhận điều đó như thế nào. Nào là các em là gia sản, là nguồn đầu tư lớn nhất của ba mẹ mình…
Chỉ đến khi tôi nói rằng đây là cách tôi học từ nước ngoài, đã lao tâm khổ tứ như thế nào mới nghĩ ra được để tạo cầu nối cảm thông giữa gia đình và học sinh. Hơn nữa, thành tích của các em học kỳ này rất thấp, rất cần sự cảm thông ấy, em nào không viết tôi sẽ trị tội thì chúng mới chịu viết.
Tôi phát cho mỗi em một tờ giấy A4 và làm một bộ mặt thật nghiêm nghị ngồi trên bục giảng nhìn xuống. Tiếng cự nự lắng dần và chúng bắt đầu viết.
Viết cái gì hở cô? Viết có ghi Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không cô? Thật hết chỗ nói. Lại phải bắt đầu giải thích. Nào là viết thư là ngôn ngữ nói được ghi lại nên đòi hỏi phải thật chân thành như đang trò chuyện với ba mẹ, không được hư cấu như văn nghệ thuật. Nào là phải viết về tình cảm thật của mình với ba mẹ: lòng biết ơn, tình yêu, sự ân hận, những oan ức, sự hối lỗi…
Tóm lại là những điều không thể nói bằng lời. Không khí lớp tự nhiên yên ắng hẳn đi. Ai nấy đều tập trung vào lá thư của mình. Có em vừa viết vừa khóc đỏ cả mặt mũi. Có em vừa viết vừa tranh thủ liếc trộm thư của bạn khác…
Đã hết giờ, tôi thu tờ giấy A4 lại thì nhiều em năn nỉ cho thêm thời gian. Buổi họp phụ huynh lần này không tập trung toàn trường được vì trời mưa. Tôi theo sơ đồ lớp ghi tên các em lên bàn học và mời phụ huynh ngồi vào chỗ của con em mình, trước mặt họ có lá thư mà con họ vừa viết.
Những lá thư ấy mang lại một hiệu quả chưa từng thấy. Những vị phụ huynh khó tính nhất cũng xúc động với những lời tâm tình của con em mình. Những nụ cười bối rối, những giọt nước mắt trên những khuôn mặt nhọc nhằn vất vả đã nói lên điều ấy. Thư phần lớn gửi cho mẹ khiến các ông đi họp phàn nàn: Cô thấy không, tôi lo cho nó hết hơi mà nó chỉ thương mẹ nó thôi.
Một bà mái tóc hoa râm, dáng người phúc hậu có hai đứa con gái út sinh đôi. Cô thứ nhất học giỏi từ bé. Cô em sức học đuối hơn nhiều nên thi vào lớp 10 bị hỏng phải học hệ bổ túc (là lớp 12C16 của chúng tôi). Tuy học chung trường, nhưng cô chị ở lớp công lập sáng đến trường, chiều đi học thể dục, học phụ đạo, bồi dưỡng, tối đi học thêm.
Bao nhiêu việc nhà, việc đồng áng dồn hết vào cô em chỉ phải đi học ngày một buổi. Sau khi nhờ một phụ huynh bên cạnh đọc hộ lá thư vì mắt kém, bà đứng lên, rưng rưng nước mắt nói: – Tôi đông con nhưng các anh chị nó đứa thì ở riêng, đứa làm ăn xa. Tôi già lại hay đau ốm cô à. Con chị nó phải học ngày, học đêm. Còn nó chỉ đi học ngày một buổi nên ở nhà phải làm. Tôi không ngờ nó lại nghĩ như thế này…, thương nó quá cô ơi!
Tôi nói với bà là em nào cũng có ước mơ của riêng mình dù học ở hệ bổ túc, dân lập hay phổ thông. Ở lớp, tôi thường khuyến khích các em sống với ước mơ ấy và giúp các em tin rằng nếu cố gắng, các em có thể biến ước mơ thành sự thật. Con cái là quà tặng của cuộc sống và chúng rất cần sự yêu thương, cần được đối xử công bằng dù ở trường hay ở nhà.
Tôi không bao giờ nói với học sinh của mình là các em ít có cơ hội thành đạt hơn các bạn khác, chỉ là các em thi ít điểm hơn, kém may mắn hơn các bạn trong một kỳ thi mà phải học hệ bổ túc mà thôi. Chính vì thế, khi tôi giao kết quả học tập và rèn luyện của các em cho từng người không ai bị sốc mà tràn đầy sự cảm thông.
Cảm thông cho tâm tình của các em và cũng cảm thông cho các thầy cô giáo vì không ngờ con em mình sắp thi tú tài rồi mà viết chữ… xấu cỡ ấy. Cuộc họp diễn biến thuận lợi và đạt được sự đồng thuận cao chưa từng có.
Rất tiếc vì tôn trọng sự riêng tư của các em nên tôi không thể nói gì nhiều về nội dung các bức thư, nhưng nó thật sự đã làm tôi xúc động. Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Và qua những lá thư này, tôi thấy yêu quý và gần gũi thêm những cô cậu học trò nghịch ngợm của tôi biết bao.
Từ Thị Thuý Nhẫn
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này