
15:10 - 20/11/2018
Trung Quốc và Mỹ ngày càng khó đạt thỏa thuận thương mại
Những thông điệp không rõ ràng của chính quyền Trump về thương mại với Trung Quốc có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng song phương, dẫn đến khó đạt thỏa thuận.
Sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra quan điểm cứng rắn trong bài phát biểu ngày 4/10 tại Viện Hudson, Washington, chuyên giaJim Cramer của CNBC lo ngại những động thái của Mỹ hướng đến thiết lập thỏa thuận có thể là một chiến lược lâu dài làm phá vỡ sự ổn định kinh tế – xã hội của Trung Quốc.
“Không khó để nhận ra chính quyền Trump quan tâm đến việc gây bất ổn cho Trung Quốc hơn là thương lượng một thỏa thuận thương mại công bằng hơn”, Cramer nói.
Sau bài phát biểu, ông Pence tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn tại hội nghị thượng định diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hôm 17/11 bằng việc kêu gọi các quốc gia xem xet lại việc ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Cramer cho biết các bình luận trên có thể là nguyên nhân cản trở tiến trình hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp trực tiếp, thảo luận về thương mại song phương và tiềm năng về một thỏa thuận thương mại mới.
“Bạn có thể hy vọng rằng G20 mang lại một vài kết quả nhưng tôi cho rằng việc ông Pence nhắc lại chính sách cứng rắn sẽ khiến sự kiện này phức tạp hơn”, Cramer cảnh báo. “Khả năng Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại nào vào cuối tuần này ngày càng tăng”.
Dù các nhà đầu tư “có thể coi những bình luận đó chỉ là lời nói khoa trương” nhằm có được những điều khoản tốt hơn trong thỏa thuận, Cramer vẫn chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất.
“Với tôi, những bình luận của Pence khả nghiêm túc”, ông cảnh báo. Quan điểm “diều hâu” mà ông Pence đưa ra hôm 17/11 “chỉ là sự mở rộng hơn nữa của cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu ngày 4/10 và đang ngày càng leo thang”.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 1/12 tại Buenos Aires, Argentina. Vào tháng 9, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Mức thuế này dự kiến tăng lên 25% kể từ đầu năm 2019.
‘Trung Quốc bị ảnh hưởng gấp 4 lần Mỹ trong chiến tranh thương mại’
Tờ EconPol Europe, mạng lưới các nhà nghiên cứu tại Liên minh châu Âu (EU), cho biết các công ty và người tiêu dùng Mỹ chỉ phải trả thêm 4,5% khi Mỹ áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. 20,5% còn lại sẽ rơi về phía các nhà sản xuất Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có ít hy vọng xuống thang khi lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Argentina vào cuối tháng.
Theo Benedikt Zoller-Rydzek và Gabriel Felbermayr, hai tác giả của nghiên cứu, chính sách thuế sẽ giúp Tổng thống Donald Trump thực hiện điều ông mong muốn từ lâu: giảm lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu xuống hơn 1/3, giảm thâm hụt thương mại 17%.
Chính quyền Trump đã chọn lựa các sản phẩm có “độ co giãn giá” cao nhất hoặc có khả năng thay thế cao. Những sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế có thể được thay thế dễ dàng bởi những mặt hàng khác, buộc bên xuất khẩu phải giảm giá để giữ người mua.
“Bằng chiến lược lựa chọn các sản phẩm Trung Quốc, chính quyền Mỹ không chỉ tối thiểu hóa tác động lên người tiêu dùng và công ty Mỹ, họ còn tạo ra lợi ích ròng đáng kể”, nhóm nhà nghiên cứu viết.
Mỹ dự kiến tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào đầu tháng 1. Đáp trả, Trung Quốc áp thuế với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu và dừng mua các mặt hàng nông nghiệp then chốt của Mỹ như đậu tương.
Với chi phí chuyển về Trung Quốc, thuế sẽ giúp chính phủ Mỹ có thêm 18,4 tỷ USD, EconPol Europe cho biết.
Theo Người Đồng Hành
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này