
12:28 - 12/09/2018
Dự án Cái Lớn – Cái Bé: cân nhắc giữa được và mất
Ngày 7/9/2018, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị về dự án thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé tại Kiên Giang.
Ông Đỗ Đức Dũng, viện trưởng viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam cho biết, dự án Cái Lớn – Cái Bé tác động đến sáu tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ với 3,6 triệu người. Những ý kiến quan ngại về tính khả thi của dự án có số vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 có số vốn trên 3.000 tỷ đồng.
“Khoảng mười năm nay Kiên Giang đã chuyển dịch mô hình tôm – lúa, tuy nhiên mô hình vẫn bấp bênh vì năm nào mặn nhiều ở vùng sát biển tôm không lớn, còn năm nào mưa nhiều ở vùng xa biển không có nước mặn để nuôi, nên sản xuất không bền vững”, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang than thở. Còn ở Hậu Giang, theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguồn nước từ sông Cái Lớn chảy vào, mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt, nên rất khó tái cơ cấu nông nghiệp, hàng năm, tỉnh phải đầu tư 40 tỷ đồng đắp đập ngăn mặn. Còn theo TS Dương Văn Ni (khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ), năm 1990 khi đưa giống lúa cao sản của IRRI vào Đầm Dơi (Cà Mau), người dân hào hứng chuyện đào kênh đắp đê để giữ ngọt, nhưng bốn năm sau phải phá đê để nuôi tôm. “Chính quyền địa phương với trách nhiệm được Nhà nước giao giữ gìn công trình xã hội, sẽ xem người dân như “những người phá hoại”, còn người dân cho rằng chính quyền cản trở cơ hội làm giàu của họ. Nếu nhìn chưa thấu đáo và đầu tư chưa đúng nơi, đúng lúc sẽ dẫn đến thất bại”, TS Ni nói.
Ông Đỗ Đức Dũng cho biết, dự án Cái Lớn – Cái Bé được tính toán theo nguyên tắc khai thác tổng hợp các lợi thế, nhưng không làm thay đổi hệ sinh thái trong vùng dự án (mặn – ngọt – lợ), với bốn mục tiêu chính: kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt) chủ động phục vụ sản xuất, tăng khả năng cấp ngọt cho vùng tây sông Hậu, giải quyết mâu thuẫn giữa nuôi trồng thuỷ sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu, phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản ven biển Kiên Giang, giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua và cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thuỷ, bộ trong vùng.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của ĐH Cần Thơ cho rằng, hai vấn đề quan trọng chưa được xem xét, đó là vai trò của người nông dân và bài toán về môi trường. Theo ông, ở vùng cống ngăn mặn lâu ngày đất đai bạc màu, nông dân lần lượt chặt bỏ cây do đất xấu, còn khi đóng cống lại, sẽ có nước ngọt nhưng bị ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, khai thác nước ngầm và vùng này sẽ mất tính đa dạng sinh học…
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đưa ra tám điểm cần được xem xét thấu đáo về dự án thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé. Ông Thiện nhấn mạnh: “Môi trường cần được bảo vệ, vì đóng cống sẽ làm ô nhiễm trong những nhánh sông như đã xảy ra ở cống Ba Lai (Bến Tre). Thực tế cho thấy, rất nhiều công trình ngăn mặn, kiểm soát lũ thất bại nhưng không ai chịu trách nhiệm. Một công trình có tầm ảnh hưởng rộng lớn và “can thiệp thô bạo vào thiên nhiên”, cần phải có người chịu trách nhiệm. Những ai chấm điểm thông qua dự án, ý kiến như thế nào cần được minh bạch để chịu trách nhiệm khi dự án được thực hiện sẽ phá vỡ gần như toàn bộ nghị quyết số 120 của Chính phủ”, ông Thiện nhấn mạnh.
ĐBSCL đang gánh trọng trách về an ninh lương thực, nên “phải ngăn mặn để duy trì sản lượng lúa” là thiếu thuyết phục, vì hàng năm ĐBSCL vẫn sản xuất chừng 25 triệu tấn lúa, xuất khẩu hơn 50%. Một dự án lớn như vậy, cần được cân nhắc nhiều bề trước khi chấm điểm thông qua, như lời ông Thiện là thể hiện trách nhiệm với xã hội nói chung, với người dân vùng ĐBSCL.
bài, ảnh Ngọc Đào (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này