
10:10 - 07/08/2020
Đơn EB5 vào Mỹ năm 2020 dự báo là 7 – 8 năm
Người Việt rất quan tâm đến vấn đề giáo dục cho con cái. Đó là lý do hàng đầu họ tìm đến chương trình visa EB5.
Bên cạnh đó là một cuộc sống theo “giấc mơ Hoa Kỳ” – American dream – với cơ hội việc làm cao, sự phát triển và tự do cá nhân, môi trường thiên nhiên trong lành và chất lượng cuộc sống cao. Các nhà đầu tư Việt Nam thường chọn lĩnh vực khách sạn và resort (50%), dự án nhà ở (30%) và lĩnh vực bán lẻ (20%) – số liệu của công ty EB5 Capital ở Hoa Kỳ cho thấy. Hãng tư vấn này nói rằng Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc là ba thị trường đầu tư định cư EB5 sôi động nhất.
Hàng năm, Chính phủ Mỹ phê duyệt 10.000 hồ sơ EB5 trên toàn thế giới và mỗi nước chỉ được nhận hạn ngạch 7%, tức 700 visa. Đây là mức cao nhất mà các nhà đầu tư từ Việt Nam có thể nộp hồ sơ để được xét duyệt. Chủ đầu tư cùng những người phụ thuộc sẽ được tính chung trong hạn ngạch 700 này, tức là nếu một gia đình cơ bản gồm hai vợ chồng và hai con, thì sẽ có 175 hộ gia đình được định cư ở Hoa Kỳ theo diện EB5.
Hết hạn ngạch, chờ 7 – 8 năm
Theo trang eb5investors.com, trong năm 2018, Chính phủ Hoa Kỳ đã cấp cho 693 người Việt Nam visa diện EB5, bao gồm các visa được cấp cho người mang quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan ngoại giao đoàn của Hoa Kỳ tại các nước và của các đơn nộp tại Mỹ. Tức là khi chạm mức trần hạn ngạch 700, việc xử lý hồ sơ sẽ chậm hơn trước.
Tuy nhiên, USCIS – cơ quan quản lý chương trình EB5 của Chính phủ Hoa Kỳ – đã linh động sử dụng hạn ngạch mà nhiều nước chưa sử dụng hoặc không tham gia EB5 để cấp cho Việt Nam và Trung Quốc – hai nước có sự tăng trưởng mạnh nhất về số lượng đơn EB5 trên toàn thế giới.
Ông Brady Phạm Hữu Thuận – giám đốc công ty Top Ten Immigration có trụ sở tại TP.HCM – trao đổi với Thế Giới Hội Nhập rằng, thời gian chờ được duyệt EB5 tại Việt Nam sau khi nộp đơn đã lâu hơn trước nhiều.
“Trong những năm 2015 – 2016, chờ chỉ trong vòng dưới 3 năm. Đến năm 2019, việc chờ đến trên 5 năm là bình thường. Số đơn ngày càng nhiều đã khiến thời gian chờ đối với hồ sơ nộp trong năm nay được dự báo là 7 – 8 năm”, ông Thuận cho biết.
Làn sóng giảm giá
Làn sóng thứ hai bắt đầu năm 2000 khi doanh nhân Việt có thể đầu tư và quốc tịch ở EU (Liên hiệp châu Âu), Canada, Úc và New Zealand, với số vốn ít hơn và thời gian chờ đợi xét duyệt hồ sơ ngắn hơn. Chẳng hạn, như để lấy hộ chiếu và quốc tịch Malta vùng Địa Trung Hải – cần ít tiền hơn: hoặc mua trái phiếu chính phủ từ 250.000 euro, mua bất động sản tối thiểu từ 270.000 euro. Thời gian xử lý hồ sơ chỉ từ 3 – 4 tháng!
Malta nổi tiếng với giới siêu giàu, có thứ hạng hộ chiếu chỉ sau Ý, Canada và Na Uy. Hiện đảo quốc này đang chào mời giá mềm hơn. Hộ chiếu Malta cho phép du lịch đến EU và Mỹ mà không cần visa.
Làn sóng thứ ba gây chú ý trong một hai năm nay – các nước vùng biển Caribe ở Trung Mỹ, với hộ chiếu có thể đến 145 nước mà không cần visa, bao gồm EU và Hoa Kỳ. Hãng tin Bloomberg nói các nước Caribe đang chào bán hộ chiếu với giá hạ hơn để nhanh chóng có nguồn tiền vượt qua khủng hoảng Covid-19. Một vài quốc gia vùng Caribe cũng bắt đầu tiếp cận với nhu cầu đầu tư định cư tại Việt Nam.
Cho đến ngày 1/12/2020, quốc gia đảo Saint Kitts & Nevis sẽ bán chương trình đầu tư định cư cho gia đình có bốn thành viên với giá 150.000 USD – giảm so 190.000 USD trước đây, tức hơn 20%. Nhà đầu tư buộc phải mua bất động sản trị giá ít nhất 200.000 USD và không được bán trong vòng ít nhất bảy năm. Hộ chiếu của đảo quốc này có thứ hạng ngang với hộ chiếu của Mexico – theo bảng xếp hạng toàn cầu của Passport Index. Tuy nhiên, ngay cả người Mỹ cũng thích hộ chiếu của đảo này, bởi nó cho phép đến EU và Anh cùng nhiều nước khác không cần visa. Cần phải nhắc lại rằng, EU và nhiều nước khác hiện đang cấm không cho dân Mỹ nhập cảnh, bởi e ngại về nạn dịch chưa được kiểm soát ở đất nước khổng lồ này.
“Trong tình hình hiện nay, khi du lịch hầu như không có khách, chúng tôi phải tìm cách kiếm ra tiền để duy trì guồng máy kinh tế”, Les Khan, CEO của Saint Kitts & Nevis Citizenship Investment Uni, nói với hãng tin Bloomberg.
Các đảo quốc trong khu vực – gồm Saint Lucia, Antigua & Barbuda, Grenada và Dominica – cũng có những chương trình thu hút đầu tư tương tự. Tất cả đều muốn có nguồn tiền mặt dồi dào hơn. Theo hãng chuyên tư vấn về đầu tư định cư Henley & Partner có trụ sở ở London, số đơn xin đầu tư để có quốc tịch với các nước vùng Caribe đã tăng 42% trong thời gian vừa qua.
Phân vân
Antigua & Barbuda là quần đảo có diện tích khoảng 450km2 ở Caribe, với nhiều đường bay thẳng đến New York, Miami, London, Frankfurt, Toronto… Hộ chiếu của đảo quốc này cho phép người sở hữu được miễn visa du lịch đến 145 nước, bao gồm EU.
Số vốn đầu tư được Chính phủ Antigua & Barbuda đòi hỏi ít nhất từ 100.000 USD đối với gia đình bốn thành viên và 125.000 USD đối với gia đình năm thành viên. Dự kiến, quá trình xử lý hồ sơ trong bốn tháng. Quốc đảo này công nhận song tịch.
Trong khi đó, các nguồn tin cũng chính thức xác nhận với Thế Giới Hội Nhập rằng, đảo quốc Antigua & Barbuda và các nước vùng Caribe khác đã “tiếp xúc ngoại giao và đang xúc tiến mở cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam, nhiều khả năng là tại TP.HCM”. Như vậy, giá 100.000 USD là mức đầu tư thấp nhất cho gia đình gồm bốn thành viên. Đó là chưa kể các loại phí dịch vụ và giấy tờ.
Một vài công ty dịch vụ ở TP.HCM đã quảng cáo “đầu tư định cư ở Saint Kitts & Nevis với giá 62.000 USD cho gia đình bốn người”. Ông Brady Phạm Hữu Thuận nói rằng: “Các mức giá mà tôi có từ phía chính phủ Saint Kitts & Nevis cao hơn. Có thể công ty đó nói về giá dịch vụ hồ sơ pháp lý”.
Thảo Nguyễn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này