21:54 - 12/09/2017
Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm nhưng chưa đáng lo?
Từ vị trí số 1 năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm trong 7 tháng đầu năm và thị trường Mỹ đã tụt xuống thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Thế nhưng, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, việc sụt giảm này vẫn không đáng lo ngại.
Báo cáo của VASEP cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,9 tỷ đôla Mỹ, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các thị trường xuất khẩu hàng đầu của mặt hàng này, Mỹ từ vị trí dẫn đầu đã lần lượt để Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vượt qua mặt.
Cụ thể, trong năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 729 triệu đôla Mỹ; kế đến là EU đạt 598 triệu đôla Mỹ và thứ 3 là Nhật Bản với 590 triệu đôla Mỹ. Thế nhưng, lũy kế 7 tháng đầu năm 2017, Nhật đã vượt lên dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 383,8 triệu đôla Mỹ; EU xếp thứ 2 với 380,6 triệu đôla Mỹ, Trung Quốc và Mỹ lần lượt xếp thứ 3 và 4 với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 348,4 và 344,7 triệu đôla Mỹ.
Nhật Bản, EU và Trung Quốc vượt Mỹ do xuất khẩu tôm vào 3 thị trường này tăng trưởng rất mạnh, trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ lại giảm. Cụ thể, xuất khẩu tôm trong 7 tháng đầu năm 2017 sang Nhật, EU và Trung Quốc lần lượt tăng 35,2%, 20,5% và 106,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Mỹ lại giảm 5,5%, theo VASEP.
Trao đổi về tình hình sụt giảm xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, tuy rơi xuống vị trí thứ 4, nhưng 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn đạt hơn 344 triệu đôla Mỹ không phải là điều quá đáng lo.
Theo ông Hòe, chênh lệch về kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ so với thị trường dẫn đầu cũng chỉ mấy chục triệu đôla Mỹ là không đáng kể. Ông giải thích, cứ 1 container xuất đi sẽ thu được khoảng 200.000 đôla Mỹ, thì khoảng mười mấy container là đủ hết chênh lệch.
Một lý do khác được ông Hòe đưa ra để khẳng định thị trường Mỹ dù ở vị trí thứ 4 nhưng không đáng lo là mức độ sụt giảm ở thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2017 cũng chỉ ở mức 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hòe cho biết xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm là do bị tác động bởi những yếu tố liên quan đến thuế chống bán phá giá.
“Khi so sánh thuế chống bán phá giá giữa Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan, thì Việt Nam đang cao nhất”, ông Hòe dẫn chứng.
Theo VASEP, tính đến cuối tháng 7/2017, xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế khi chiếm đến 63,2% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam (1,9 tỷ đôla Mỹ); tôm sú đứng thứ hai với 25,6% và còn lại là các loại tôm khác.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này