15:24 - 26/07/2019
Xuất khẩu tôm kỳ vọng tích cực hơn trong nửa cuối năm
Sáu tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá tôm nguyên liệu giảm, giá XK chưa tăng, nhu cầu NK giảm từ các thị trường chính, cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ, Ecuador là một trong những yếu tố khiến XK tôm Việt Nam chưa thể đảo chiều đi lên.
Nửa đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 66,8%, tôm sú chiếm 22,6% và còn lại là tôm biển. XK tôm chân trắng đạt gần 963 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái; XK tôm sú đạt gần 325 triệu USD, giảm 16%; XK tôm biển khác đạt gần 153 triệu USD, tăng 2%. XK tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 36%.
Tháng 6/2019, XK tôm của Việt Nam đạt 293,5 triệu USD, giảm 4,8% so với tháng 6/2018. Trong top 5 thị trường NK chính tôm Việt Nam, XK sang Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng trưởng tuy nhiên XK sang EU và Hàn Quốc vẫn giảm mạnh 2 con số. Đối với các thị trường còn lại, XK sang Australia, Đài Loan tăng trong khi XK sang Canada, ASEAN, Thụy Sỹ giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK sang top 5 thị trường chính đều giảm trong đó XK sang Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc giảm ít hơn nhờ tăng trưởng trong tháng 6.
EU
Sáu tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam là EU đạt 300,5 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018. Anh, Đức, Hà Lan là 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối. XK tôm sang Anh, Đức, Hà Lan đều giảm lần lượt 9,5%, 12,5% và 50,2%.
Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết tại Hà Nội vào 30/6/2019. Theo cam kết trong EVFTA, thủy sản Việt Nam xuất sang EU sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế NK vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.
Với những ưu đãi thuế quan và môi trường kinh doanh, các DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia cùng XK tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan trong nửa cuối năm nay.
Mỹ
XK tôm sang Mỹ (thị trường NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam) trong tháng 6/2019 đạt gần 64 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 250, 4 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi sụt giảm liên tục trong 4 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đã nhích lên trong 2 tháng 5 và 6.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian qua phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh của các nguồn cung đối thủ (Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc…), cùng với thuế chống bán phá giá khá cao của thị trường này.
Tuy nhiên, tháng 4/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ thuế CBPG cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (từ 1/2/2017 đến 31/1/2018) với thuế suất 0% cho 2 DN bị đơn bắt buộc và 29 DN bị đơn tự nguyện. Mặc dù đây chỉ là mức thuế sơ bộ nhưng cũng có thể được coi là nền tảng để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới.
Chính phủ Mỹ đã áp thuế 25% lên các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc, trong đó có tôm. Đây sẽ trở thành cơ hội cho các quốc gia khác đẩy mạnh XK tôm vào thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, XK tôm bao bột từ Việt Nam vào Mỹ 5 tháng đầu năm nay đạt 4.281 tấn, trị giá 30,9 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh XK tôm sang Mỹ sụt giảm, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này có thể được coi là một dấu hiệu tích cực.
Trung Quốc
XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng 10% đạt gần 47 triệu USD trong tháng 6/2019. Sáu tháng đầu năm nay, XK sang thị trường này giảm 4,9% đạt 233,5 triệu USD. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 do Trung Quốc tăng mạnh NK tôm từ Ấn Độ, Ecuador (lợi thế giá thấp hơn tôm Việt Nam). Quý I/2019, NK tôm của Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 624% về khối lượng và 573% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nửa đầu năm nay, XK tôm Ecuador sang Trung Quốc tăng 224% về khối lượng và 185% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những nguyên nhân như Trung Quốc siết chặt thương mại mậu biên, cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, đồng NDT mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến XK tôm sang thị trường này.
Trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD đã tạo chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Do vậy, giá XK tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh về giá của tôm Việt Nam.
XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng trong 2 tháng 5 và 6 vừa qua. Ấn Độ đã qua vụ thu hoạch chính, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến giảm ít hơn. Giá trị XK cả năm sang thị trường này có khả năng tương đương với năm ngoái.
XK tôm trong 2 tháng 5 và 6 mặc dù giảm nhưng tốc độ giảm đã ít hơn. XK tôm trong tháng 7/2019 dự kiến tăng nhẹ so với tháng 7/2018. XK tôm Việt Nam trong các tháng tiếp theo kỳ vọng sẽ nhích dần lên nhờ tác động từ các Hiệp định Thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu NK từ các thị trường tăng trong nửa cuối năm và cạnh tranh từ Ấn Độ giảm bớt do đã qua vụ thu hoạch chính.
Theo VASEP/VietnamExport
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này