22:08 - 27/08/2019
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật giảm nhẹ
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật giảm nhẹ 2,8%, đạt gần 329 triệu USD.
Theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam, sau khi tăng trưởng không ổn định trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng ổn định trong tháng 5, 6 và 7 mặc dù mức tăng không nhiều. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật vẫn giảm nhẹ 2,8% đạt gần 329 triệu USD.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam nhờ những lợi thế từ các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật, tôm chân trắng chiếm tỷ lệ cao nhất 58,1%, tôm sú chiếm 22,4% còn lại tôm biển chiếm 19,5%. Trong số các sản phẩm tôm chân trắng xuất đi Nhật, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh chiếm tỷ lệ cao hơn tôm chân trắng chế biến.
Một số sản phẩm tôm của Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản bao gồm tôm Nobashi, sushi, tôm sú Tempura áo bột; tôm chân trắng PD đông lạnh, tôm chân trắng lột vỏ bỏ đầu chừa đuôi đông lạnh…
Nửa đầu năm nay, Nhật Bản nhập khẩu tôm các loại đạt hơn 1 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm của thị trường này. Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ là các nguồn cung chính tiếp theo, lần lượt chiếm 19%, 17% và 10%.
Trong đó, con tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là sản phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất với 60% trong tổng cơ cấu tôm nhập khẩu vào Nhật Bản. Thuế nhập khẩu vào Nhật Bản đối với sản phẩm tôm này từ Việt Nam và các nguồn cung chính khác cho Nhật gồm Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan đều được hưởng mức thuế 0%. Thế nhưng xét về giá, con tôm HS 030617 của Việt Nam có mức cao nhất trong số các nguồn cung chính với hơn 11 USD/kg. Trong khi đó giá tôm Indonesia xuất khẩu vào Nhật Bản đạt 11 USD/kg, giá tôm Thái Lan đạt 9,5 USD/kg và Ấn Độ đạt 9 USD/kg.
Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ đầu tháng 12.2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ đầu tháng 10.2009 đã giúp tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm nay cũng giúp cho tôm Việt Nam gia tăng lợi thế tại thị trường này. Theo các cam kết của Nhật Bản tại CPTPP, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
VASEP nhận định, do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển, các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản.
Theo Thanh Niên
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Nhật đã khởi sắc
Dừng thông quan hàng qua Trung Quốc tại một số cửa khẩu đến ngày 9/2
Nhiều ‘vua xuất khẩu’ của nông sản Việt lâm cảnh khó khăn
Thị trường lúa gạo Việt Nam sau động thái mới của Ấn Độ, Myanmar
Bình luận thị trường: Giải mã khó khăn hàng rau quả Việt vào Trung Quốc
Tags:xuất khẩu tôm
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này