09:44 - 20/12/2021
Xuất khẩu cà phê tăng, nhưng lợi nhuận của nông dân giảm
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia, chiếm khoảng 20 – 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới, trong đó cà phê Robusta chiếm thị phần xuất khẩu lên tới 40%.
EU, Mỹ và Nhật Bản là những khách hàng lớn nhất của nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong nhóm giá thấp nhất trong các nước xuất khẩu cà phê. Nguyên nhân chính là khoảng 85% sản lượng cà phê của nước ta được sản xuất do các hộ nông dân, sử dụng nhiều giống và quy trình canh tác khác nhau, khiến chất lượng cà phê không cao, không đồng đều. Mặc dù là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch giai đoạn 2017 – 2020 giảm mạnh bình quân 8,75%/năm, chủ yếu là do chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, trong lúc cơ cấu các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao còn thấp, xuất khẩu cà phê nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay người nông dân trồng cà phê đa phần được thu mua qua các đại lý. Các đại lý này hiểu rõ được từng người dân trong vùng, mua được số lượng lớn cà phê. Tuy nhiên, đặc thù của mối quan hệ này khá bấp bênh và không minh bạch. Người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.
Một số mô hình liên kết nông dân đã được thành lập gần đây như nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức này chưa nhiều, quy mô nhỏ, vẫn phụ thuộc vào các tác nhân cung ứng dịch vụ, chưa hình thành chuỗi giá trị có hiệu quả, chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa phát huy được tiếng nói và vị thế của người nông dân sản xuất cà phê. Thống kê hiện nay vùng Tây nguyên có 229.945 tấn cà phê được sản xuất dưới hình thức liên kết, chiếm tỷ lệ 15,29% tổng sản lượng toàn vùng. Trong đó, tỉnh Kon Tum có tỷ lệ sản lượng cà phê sản xuất theo liên kết cao nhất, chiếm tới 34%, thấp nhất vẫn là tỉnh Gia Lai, chỉ đạt 8,8%.
Ông Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Cà phê Gia Lai, kiến nghị: Cần có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội cà phê các địa phương hoạt động thiết thực, có hiệu quả, làm cầu nối, phối hợp, kết nối đến các xã viên, hội viên, tổ viên những người trồng cà phê trong chuỗi sản xuất từ trồng trọt đến thu hoạch, sơ chế, thu gom, chế biến, xuất khẩu ra thị trường không thể để từng hộ nông dân tự mày mò tìm hiểu các thông tin trong sản xuất và yêu cầu từ thị trường như hiện nay. Điều cần quan tâm là tạo mọi điều kiện tốt nhất để thế hệ trẻ trong vùng sản xuất quay về với ngành cà phê, họ sẽ là người tiếp bước, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Theo Bộ NN-PTNT, trong quy hoạch đến năm 2025, vùng trồng cà phê sẽ giảm dần diện tích và giữ ổn định ở mức 600.000 ha. Trong thời gian tới tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tăng lên, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) xóa bỏ thuế cho toàn bộ các sản phẩm cà phê xuống 0% là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, việc giữ ổn định sản lượng và gia tăng chất lượng sản phẩm sẽ giúp cho giá trị cà phê Việt Nam bền vững hơn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Chủ trương của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới dành cho cây cà phê là sẽ kết nối, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách nhằm thúc đẩy việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê theo chuỗi liên kết, làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất cà phê, liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn, được chứng nhận; thu hút các doanh nghiệp có uy tín đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê.
Sáng 19/12, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê”. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), diện tích cây cà phê của nước ta hiện nay đạt khoảng 696.000 ha, năng suất đạt 27,7 tấn/ha, sản lượng đạt 1.764.000 tấn tập trung tại 5 vùng sản xuất chính là: Tây nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Trong những năm gần đây, diện tích cây cà phê đã phát triển nhanh nhưng chủ yếu nằm ở khu vực không phù hợp, với đất nông, dốc cao, thiếu nước tưới… nên năng suất thấp và chi phí sản xuất cao; phải sử dụng quá nhiều phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật… để đạt được năng suất tối đa. Việc này không chỉ khiến cây cà phê không chỉ nhanh chóng cạn kiệt và mà đất còn bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này