10:58 - 06/09/2018
Xuất gạo chỉ cần kho đạt chuẩn
Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2018, cởi trói cho hàng loạt doanh nghiệp (DN).
Những tên tuổi lớn trong ngành gạo như Cỏ May, ADC, Viễn Phú… trước đây bị “trói chân”, thì nay có thể bán gạo ra thế giới, tạo lập thương hiệu gạo ngon Việt Nam…
Mọi câu chuyện bắt đầu từ cái “kho chuyên dùng”, nó là lợi thế chứa hàng của các DN thuộc hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xây dựng kho dự trữ lúa gạo trong hai năm (2009 và 2010), để đưa lượng kho từ 2 triệu tấn lên 4 triệu tấn vào cuối năm 2010, gắn với dự toán tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Chính lợi thế này, đã giúp DN hội viên VFA có được “lá bùa” xuất khẩu là nghị định 109, duy trì suốt nhiều năm qua.
Nay, nghị định 107 (thay nghị định 109) không quy định DN phải có kho chứa sản lượng bao nhiêu ngàn tấn nữa, chỉ cần DN có ít nhất một kho chuyên dụng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là đủ. Nếu không sở hữu kho và cơ sở xay xát thì DN cũng có thể thuê lại của tổ chức, cá nhân khác. Các hợp đồng thuê các cơ sở này có thời hạn tối thiểu năm năm,
Công ty TNHH ADC từng tự lực đầu tư hàng triệu USD xây dựng hai nhà máy chế biến lương thực đặt tại Cần Thơ và Đồng Tháp, công suất mỗi nhà máy đạt gần 200.000 tấn/năm. Cả hai nhà máy đều được trang bị dây chuyền máy móc khép kín và tự động cả từ khâu sấy lúa, bóc vỏ, xát trắng, lau bóng… bảo đảm giữ bề mặt hạt gạo được sáng, bóng, đẹp mắt; giảm tối đa tỷ lệ gạo bị nứt, gãy; đồng thời vẫn giữ được dưỡng chất vốn có của gạo. Hệ thống máy tách màu điều khiển tự động đảm bảo gạo thành phẩm hoàn toàn thuần chất, không lẫn màu vàng, sâu, loại bỏ mọi tạp chất, cát, sạn… giữ được nguyên hình dạng, hương thơm đặc trưng, màu sắc hạt gạo. Cả hai nhà máy đều đạt chuẩn ISO 22000:2005, HACCP. Tất cả những đầu tư này đều không vượt qua được “lá bùa” nghị định 109, nay thì họ được cởi trói, tự do xuất khẩu.
Một DN khác là công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành 4, tỉnh Vĩnh Long cũng đang gấp rút chuẩn bị tham gia xuất khẩu khi nghị định 107 có hiệu lực. Hiện, Phước Thành 4 đã đầu tư xây dựng nhà xưởng trên 15.000m2, chế tạo – lắp đặt máy móc, thiết bị hoàn chỉnh cho quy trình sản xuất tự động hoá khép kín các công đoạn sấy, xay xát – ủ nguội liên hoàn, đóng gói, lưu kho hiện đại, khép kín đạt theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sản xuất sạch: ISO 22000 và HACCP, nên khi sấy đảm bảo đúng kỹ thuật, màu sắc, mùi vị, không bị gãy vỡ khi xay xát, tỷ lệ hao hụt 7 – 8% (giảm so với công nghệ truyền thống 14 – 15%).
Theo các DN trong ngành, nếu vẫn “cố thủ” với quy định cũ, thì để có kho 5.000 tấn, chi phí phải bỏ ra khoảng 20 – 25 tỷ đồng, giá đất và thiết bị đa năng chiếm tỷ trọng cao trong chi phí này. Nhưng, yêu cầu của nhà nhập khẩu từ EU, Mỹ, Nhật còn “gắt” hơn quy định xây kho trong nghị định 109, tốn kém hơn nhiều so Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc (lúa) (QCVN 01 – 133: 2013/BNNPTNT), hay Quy chuẩn quốc gia về cơ sở xay xát lúa gạo (QCVN 01 – 134: 2013/BNNPTNT). Nhưng họ vẫn sẵn lòng đầu tư, vì thực thi đúng quy chuẩn ấy sẽ đưa DN tới chuẩn mực dễ thừa nhận tương đồng với hệ thống chuẩn mực toàn cầu.
Ngoài việc gỡ nút thắt kho chứa, từ đầu tháng 10 tới, DN cũng được khuyến khích xuất khẩu sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo vi chất dinh dưỡng, phù hợp với nguyện vọng của DN. Hiện nay, Cỏ May Group (tỉnh Đồng Tháp), mỗi tháng xuất khẩu 20 tấn gạo hữu cơ đi Singapore.
bài, ảnh Hoàng Lan (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này