16:00 - 26/08/2024
Việt Nam thống trị giá trị xuất khẩu cá tra
Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng, chiếm 90% thương mại cá tra toàn cầu.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố tại hội thảo “Phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam”, vào năm 2023, sản lượng cá tra toàn cầu đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với năm 2022. Năm 2024, sản lượng dự kiến sẽ tăng nhẹ 3% lên 3,2 triệu tấn.
Trong đó, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và chiếm 90% thương mại cá tra toàn cầu. Năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, bằng 98% so với năm 2022, sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022 (1,7 triệu tấn). Giá trị xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD.
Các quốc gia khác, như Ấn Độ và Indonesia, cũng đang đẩy mạnh nuôi cá tra. Ấn Độ sản xuất 668.000 tấn vào năm 2023, dự kiến tăng 5% vào năm 2024. Theo Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia (MMAF), năm 2023 sản lượng cá tra của Indonesia đạt mức cao nhất 431.381 tấn, trị giá khoảng 518.063 USD.
Năm 2023, khoảng 563.000 tấn cá tra đông lạnh được đưa vào thương mại Quốc tế, giảm 25% so với năm 2022. Trong đó, phi lê đông lạnh chiếm 84% tổng nhập khẩu mặc dù đã giảm 29% so với năm 2022. Cá đông lạnh nguyên con chiếm 15% thương mại, tăng 3%.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cho cả cá nguyên con và philê đông lạnh, chiếm 29% tổng khối lượng nhập khẩu cá tra đông lạnh, tiếp theo là Mỹ 15% và Brazil 6%.
Năm 2023, tổng nhập khẩu cá tra đông lạnh vào Trung Quốc tăng lên tới 162.630 tấn, giảm 35% so với năm 2022. Mức thuế mới đối với Cá tra nhập khẩu từ Việt Nam có thể khiến nhập khẩu chậm lại.
Năm 2023, nhập khẩu cá tra đông lạnh của Mỹ là 91.523 tấn, trong đó Việt Nam chiếm 91% và 9% còn lại từ Thái Lan và Trung Quốc.
Châu Âu nhập khẩu 65.776 tấn cá tra đông lạnh, bao gồm 91% phi lê đông lạnh và 9% cá nguyên con. Khoảng 85% cá tra nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam.
Anh là nước nhập khẩu cá tra đông lạnh lớn nhất ở Châu Âu, ghi nhận lượng nhập khẩu ổn định và tăng trưởng. Năm 2023, tổng cộng 15.697 tấn cá tra đông lạnh từ Việt Nam nhập khẩu vào Anh, tăng 9% so với năm 2022. Giá nhập khẩu trung bình giảm 6,06% xuống 3,88USD/kg vào năm 2023.
Tại Châu Á, Trung Quốc chiếm 56% tỷ trọng nhập khẩu cá tra, tiếp theo là Thái Lan (11%; 31.300 tấn), Philippin (10%; 23.810 tấn) và Singapore (6%; 16.650 tấn). Tiêu thụ phi lê Cá tra tại khu vực này đã tăng đáng kể kể trong gần một thập kỷ. Loài này được bán phổ biến với tên gọi “dory” ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Ở MalaySia, người dân địa phương gọi là “ikan patin” và được tiêu thụ phổ biến dưới dạng cá nguyên con, hấp hoặc nấu với sầu riêng lên men trong nước dùng cay. Điều đáng quan tâm là tổng cộng 2.952 tấn cá tra đông lạnh đã được UzbekiStan nhập khẩu vào năm 2023, tăng 76% so với năm 2022.
Tuy vậy, theo bà Lê Hằng, giám đốc truyền thông VASEP, phát biểu tại hội thảo thì xuất khẩu cá tra lại đang có xu hướng bị chững lại sau một năm bùng nổ xuất khẩu cá tra hậu đại dịch COVID-19. Nguyên nhân là do lượng tồn kho tăng, giá nhập khẩu giảm, lạm phát cao. Những điều này khiến nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường bị chững lại.
Giá cá tra tại ao của Việt Nam đã giảm đáng kể vào giữa tháng 6 và giảm tiếp xuống mức giá mới vào đầu tháng 7. Trong khi đó, giá cá giống tiếp tục giảm trong tháng 6 cho thấy triển vọng phục hồi thị trường chưa rõ nét.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu có xu hướng thuận lợi cho cá tra vì đây là loại cá thịt trắng có giá cả phải chăng hơn và vì lý do này, người nuôi và các nhà chế biến ở Việt Nam đang kỳ vọng nhu cầu sẽ cao hơn vào nửa cuối năm 2024.
“Hy vọng giá cước vận tải biển sẽ sớm giảm xuống để giá cá tra hấp dẫn hơn trên thị trường”, bà Hằng dự báo.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ngày đăng: 26/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này