10:29 - 17/10/2024
Vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê nhân rơi vào doanh nghiệp ngoại
Giá cà phê tăng nhưng thị phần của các công ty cà phê ngoại lại tăng mạnh, kể cả ở mảng mà doanh nghiệp Việt chiếm ưu thế.
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tháng 9 năm 2024, xét về xuất khẩu cà phê nhân sống thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 47,5% thị phần, tăng mạnh so với trước đây.
Đặc biệt, trong bảng xếp hạng tốp 50 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống hàng đầu thì vị trí số 1 cũng là một doanh nghiệp FDI.
Đó là Công ty TNHH thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam – thành viên Tập đoàn Louis Dreyfus Commodities (Pháp).
Trong tháng 9, ông lớn này đã xuất khẩu gần 5.700 tấn cà phê, xếp trên 2 doanh nghiệp Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Intimex (vị trí số 2) và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (vị trí số 3).
Vào niên vụ 2022-2023, về xuất khẩu cà phê nhân sống thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ mới chiếm 33% thị phần và toàn bộ tốp 4 doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất đều là doanh nghiệp Việt. Dẫn đầu là Công ty CP Tập đoàn Intimex; vị trí thứ 2 là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và vị trí thứ 3 là Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak).
Việc các doanh nghiệp FDI gia tăng thị phần ở mảng xuất khẩu nguyên liệu được lãnh đạo VICOFA giải thích một phần là do giá cà phê tăng khiến các doanh nghiệp trong ngành cần nguồn vốn nhiều hơn trong khi hạn mức cho vay của ngân hàng có giới hạn. Trong khi đó, vốn chính là thế mạnh của các doanh nghiệp FDI.
Đối với mảng cà phê chế biến (rang xay và hòa tan), 3 vị trí tốp đầu cũng thuộc về doanh nghiệp FDI là: Công ty TNHH cà phê Ngon (Ấn Độ), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Thụy Sỹ) và Công ty TNHH cà phê Outspan Việt Nam (Singapore).
Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy cà phê Sài Gòn xếp vị trí thứ 4 và Công ty CP Tập đoàn Intimex (vị trí thứ 9) và doanh nghiệp Việt còn lại trong tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chế biến trong tháng 9 vừa qua.
Mảng chế biến cà phê, trước giờ các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế áp đảo nhờ lợi thế về vốn, công nghệ, thị trường. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê chế biến của khối FDI chiếm đến 73,4% thị phần, cao hơn thị phần bình quân của cả niên vụ 2022-2023 là 72%.
Giá cà phê Arabica tăng, Robusta giảm
Rạng sáng 17/10, chốt phiên giao dịch trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta giảm cả 4 kỳ hạn giao hàng, từ 4-50 USD/tấn. Ở kỳ hạn giao hàng tháng 11, giá cà phê Robuta còn 4.859 USD/tấn (khoảng 120 triệu đồng/tấn); kỳ hạn tháng 1/2025 là 4.752 USD/tấn.
Trên sàn NewYork (Mỹ), giá cà phê Arabica lại tăng ở cả 4 kỳ hạn giao hàng, từ 20-30 USD/tấn, lên 5.540 USD/tấn (kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025) và 5.690 USD/tấn (kỳ hạn giao hàng tháng 12).
Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước đầu ngày ở mức 113.800 đồng/kg, tương đương ngày hôm trước.
Theo Ngọc Ánh/Người Lao Động
Ngày đăng: 17/10/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này