21:30 - 20/03/2018
VASEP sẽ kiện vụ Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá cá tra
Cho rằng mức áp thuế cao là do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt chủ quan thuế chống bán phá giá cá tra VIệt Nam, VASEP muốn khiếu kiện ra Toàn án thương mại Quốc tế Mỹ.
Ngày 20/3, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo báo chí về kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) mà Bộ thương mại Mỹ (DOC) vừa đưa ra.
VASEP nhận thấy kết quả cuối cùng của POR13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đây có thể nói là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét, theo hiệp hội này.
VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất.
Tháng 9/2017, DOC công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá POR13 đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 2,39 USD/kg đã khiến xuất khẩu cá tra vào Mỹ sụt giảm liên tục.
Tính cả năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ giảm 11 % so với năm 2016.
Thuế chống bán phá giá cá tra ở POR13 được DOC chính thức đưa ra hôm 13-3 vừa qua còn cao hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ, càng khiến cho tình hình xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo đó, mức thuế áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016 là 3,87 USD/kg.
Theo VASEP, so với mức 0,69 USD/kg của lần xem xét hành chính thứ 12 (POR12) mức thuế này đã tăng 5,61 lần.
Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay và cao hơn cả mức thuế toàn quốc 2,39 USD/kg mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng cho các công ty không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Việt Nam.
VASEP cho rằng đó là kết quả của việc điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng.
Với cách tính này dẫn đến việc DOC áp dụng mức thuế cao vô lý khiến các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra fillet vào Mỹ trong thời gian tới vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này