
09:54 - 05/03/2025
Tìm giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu gạo
Sáng 4/3, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long.
Đề xuất áp giá sàn
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 2/2025 ước đạt 560.000 tấn, thu về 288,2 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2025 đạt 1,1 triệu tấn và 613 triệu USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Ngô Hồng Phong – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) – thông tin 2 tháng đầu năm 2025, giá gạo giảm trên toàn cầu. Cụ thể, gạo Thái Lan giảm 10%-11%; gạo Việt Nam giảm 6%… Sản lượng cao tiếp tục gây áp lực giảm giá gạo.
Thông tin cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam cho biết từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2025, giá gạo giảm mạnh, như: gạo trắng xuất khẩu sang thị trường Philippines giảm tới 100 USD so với cùng kỳ, chỉ còn trung bình 450 USD/tấn. Nguyên nhân là do giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm mạnh, kéo theo nước khác phải điều chỉnh giảm theo.
Để ứng phó, Phó Chủ tịch VFA đề nghị Bộ Công Thương đưa ra quy định giá sàn về xuất khẩu gạo theo Nghị định 107 năm 2018 với mức giá là 500 USD/tấn (giá FOB).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết bộ cũng đang nghiên cứu giải pháp này, đồng thời cũng đang tính đến việc kích hoạt dự trữ, bảo đảm công tác bình ổn thị trường giá lúa gạo. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa các thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống để xuất khẩu gạo bền vững trong dài hạn; gắn với đó là sự điều chỉnh cơ cấu, chủng loại gạo. Trong đó, cần tập trung vào chất lượng gạo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy lưu ý cần tìm giải pháp, xác định nguyên nhân cụ thể vì sao giá gạo xuất khẩu giảm; từ đó đề xuất các giải pháp để quản lý bình ổn và đưa thị trường lúa gạo ổn định, bền vững.
Theo ông Duy, sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp thông tin, xây dựng và trình Chính phủ nhằm ban hành công điện về việc điều hành bảo đảm cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước.
Trao đổi với báo Người Lao Động, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) – chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, phân tích giá lúa gạo phụ thuộc vào 2 yếu tố là thời tiết và chính trị, đều là các yếu tố bất ngờ và khó đoán.
“Những khó khăn của thị trường lúa gạo năm nay đã được dự báo từ khi Ấn Độ mở cửa cho xuất khẩu gạo từ năm ngoái nhưng thực tế diễn ra nghiêm trọng hơn khi các nước sản xuất gạo lớn như: Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar… đều được mùa, dẫn đến thừa cung. Trong khi về phía cầu, cả 2 nước nhập khẩu lớn nhất là Philippines và Indonesia đều giảm nhập, giảm giá gạo ở thị trường nội địa” – bà Hương phân tích.
Về phía các DN Việt Nam, đa số gặp áp lực về vốn nên bắt buộc phải bán ra dù biết giá không tốt, chỉ cần đợi thêm thời gian giá sẽ tăng nhưng không thể. “Philippines, Indonesia, châu Phi… đều có nhu cầu cao về nhập khẩu gạo. Lúc này, các DN rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn mua lúa gạo cho nông dân” – bà Hương bày tỏ.
Cũng theo bà Hương, thực chất giá gạo hiện nay đang thấp nhưng không quá bất thường nếu so với những năm trước. Hai năm qua, giá gạo cao bất thường do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nên khi so sánh sẽ thấy sự sụt giảm mạnh.
Triển vọng vẫn tốt
Dù vậy, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, nhận định triển vọng xuất khẩu gạo vẫn khá tươi sáng. Tín hiệu vui là Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.
Chủ tịch Tân Long cũng tin rằng thị trường Philippines, Indonesia kiểu gì cũng sẽ phải nhập gạo. Ông dự báo năm nay nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines khoảng vài triệu tấn. “Người tiêu dùng của nước này đã sử dụng quen gạo nhập từ Việt Nam nên cũng sẽ ưu tiên nhập của chúng ta. Cùng với đó, các thị trường châu Phi cũng sẽ tăng nhập” – ông Bá kỳ vọng.
Cũng theo doanh nhân này, giá gạo xuất khẩu vừa qua có giảm, lợi nhuận của người nông dân có thể chịu ảnh hưởng nhưng với mức giá hiện nay, nông dân vẫn có lời. Với DN, ông cho rằng giá gạo ổn định sẽ giúp các DN dễ hoạch định kế hoạch kinh doanh, tăng mua vào để chuẩn bị cho các hợp đồng.
“Hai năm vừa qua, giá gạo tăng mạnh, biến động lớn, dẫn tới một số DN phản ánh thua lỗ. Hơn nữa, giá gạo giảm cũng có thể xuất khẩu được nhiều hơn, cạnh tranh hơn so với các đối thủ. Trong bối cảnh hiện nay, DN cần theo dõi diễn biến cung – cầu để chủ động thích ứng” – ông gợi ý.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể không tươi sáng như năm 2024, bởi nguồn cung dự báo tiếp tục tăng lên do các nước trồng lúa và xuất khẩu gạo giữ được sản lượng ổn định, trong khi Ấn Độ có thể tăng cung ra bên ngoài để giải quyết hàng tồn kho từ năm 2024.
Hơn nữa, đầu năm nay, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia tuyên bố không nhập khẩu gạo trong năm 2025 nhờ nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu. “Nếu quyết định này giữ nguyên trong cả năm 2025, Việt Nam sẽ mất một số đơn hàng ở Indonesia, bởi mỗi năm Việt Nam xuất sang thị trường này tới 1 – 2 triệu tấn” – ông Thủy cho biết.
Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu thấp nhất 2 năm qua, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng rất khó để có lời khuyên chính xác cho nông dân rằng nên giữ hay bán sau khi thu hoạch. Song ngành lúa gạo cần chiến lược phát triển theo chuỗi và bền vững hơn, xây dựng thương hiệu gắn với đẩy mạnh phát triển diện tích lúa chất lượng cao.
Theo Thùy Linh – Ngọc Ánh/Người Lao Động
Ngày đăng: 5/3/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này