
15:42 - 17/11/2015
Thủy sản xuất khẩu: bỏ sơ chế, làm hàng giá trị cao
Thủy sản xuất khẩu cần phải hướng đến sản phẩm giá trị gia tăng.
Muốn hưởng thuế ưu đãi, đặc biệt là vượt qua rào cản kỹ thuật, doanh nghiệp buộc phải từ bỏ thói quen làm hàng thủy sản xuất khẩu thô…
Hiệp định TPP dự kiến ký vào quý một năm sau. Trong nội dung TPP vừa được Mỹ công bố không áp dụng miễn thuế về 0% cho mặt hàng tôm, cá tra sơ chế của Việt Nam.
Thủy sản xuất khẩu nhìn chung… bi đát
Không chỉ có TPP “loại” nông sản thô ra khỏi danh sách ưu đãi thuế, những rào cản kỹ thuật trong các hiệp định mà Việt Nam vừa đạt được với các nước EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan với Nga, Belarus vàKazakhstan… cũng yêu cầu cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Trong khi đó, sản xuất nguyên liệu ở Việt Nam lâu nay vẫn bị đánh giá chưa theo kịp đòi hỏi thị trường. Bằng chứng là hai năm qua, doanh nghiệp Việt Nam cay đắng bị đối tác trả về 32.000 tấn thủy sản, lý do liên quan đến chất lượng, tồn dư kháng sinh, nhiễm vi sinh và lỗi bao bì.
Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng hiện nay phần lớn sản lượng cá tra do doanh nghiệp tự đầu tư vùng nuôi là có thể kiểm soát tốt thức ăn, kháng sinh, chất lượng nguyên liệu.
Còn với con tôm thì quy mô nuôi nhỏ lẻ, thiếu kiểu soát, dịch bệnh tràn lan, sử dụng kháng sinh bừa bãi nên rất khó kiểm soát dư lượng kháng sinh cấm tồn dư trong thủy sản xuất khẩu.
Đây là vấn đề hết sức nhức nhối, không chỉ gây tác hại trực tiếp đến kinh tế mà làm xấu đi hình ảnh thương hiệu thủy sản Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2015, ngoài việc có nhiều lô hàng bị trả về, doanh nghiệp Việt Nam còn liên tục nhận được cảnh báo từ Nhật, Mỹ, EU, Úc liên quan đến việc phát hiện chất cấm trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
Một vài điểm sáng
Trong tình hình đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đáp ứng yêu cầu thị trường sau những nổ lực đầu tư sâu vào chuỗi liên kết từ vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu. Các chỉ tiêu chất lượng cũng ngày được nâng lên bên cạnh việc nâng cao tỷ lệ hàng giá trị gia tăng.
Công ty Thuận Phước liên tục nhiều năm nay có doanh số trung bình trên dưới 100 triệu USD xuất khẩu mỗi năm. Đây là một trong số ít đơn vị thủy sản Việt Nam nằm trong tốp đầu có hàng thủy sản xuất khẩu giá trị gia tăng cao.
Công ty này có trụ sở ở miền Trung, dù không có lợi thế nuôi tôm nhưng ông Trần Văn Lĩnh nói đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây dựng 10 khu nuôi diện tích hàng trăm ha tôm đạt tiêu chuẩn thực hành Nuôi trồng Thủy sản tốt nhất của Mỹ (BAP: Best Aquaculture Practices) . Điều này cho phép, tỷ lệ hàng giá trị gia tăng của Thuận Phước chiếm 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Cơ cấu hàng giá trị gia tăng của công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng chiếm tới 99%, điều này giúp FMC là doanh nghiệp “trụ vững” trước “cơn bão” khó khăn thị trường xuất khẩu tôm năm nay. Trong khi doanh số xuất khẩu toàn ngành tôm năm kiến giảm 28% thì FMC với thế mạnh hàng chế biến chỉ giảm khoảng 5%, đồng thời đạt lợi nhuận kế hoạch 100 tỉ đồng.
Vào chuỗi toàn cầu?
Sản xuất theo chuỗi có sự đánh giá tiêu chuẩn của các tổ chức uy tiến thế giới và bởi chính nhà nhập khẩu là xu thế toàn cầu hóa khi bước vào hội nhập. Nông thủy sản xuất khẩu Việt Nam không thể tách rời xu thế này.
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam có nhiều lợi thế nuôi trồng, nhưng để khai thác hết cần được xây dựng trên nền tảng tiêu chuẩn chuỗi khép kín. Hiện có nhiều doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, trong đó có hệ thống siêu thị Walmart.
Bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long (CL-FISH CORP-An Giang) cho biết, sau khi đàm phán đạt thỏa thuận về các tiêu chuẩn theo qui định, CL-FISH CORP đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cá tra trực tiếp với đại diện tập đoàn Walmart từ nay đến cuối năm. Walmart nhập khẩu phân phối các loại sản phẩm cá tra trong toàn hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish AnGiang nói muốn bán hàng vào Walmart thì tất cả nhà cung cấp phải chấp nhận các tiêu chuẩn của họ, trong đó xác định các yêu cầu an toàn thực phẩm như an toàn vệ sinh ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, an ninh chuỗi cung ứng, hệ thống nhà máy và tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh gồm chính sách với người lao động, bảo vệ môi trường.
“Walmart đưa ra bộ tiêu chuẩn hàng trăm tiêu chí và doanh nghiệp phải đạt được các tiêu chí này. Chẳng hạn như chính sách lao động, họ yêu cầu công nhân phải được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần”, ông Ký nói và cho hay, các doanh nghiệp thủy sản thường sử dụng hàng ngàn lao động nên rất khó đáp ứng do phát sinh chi phí nhưng mục tiêu bán hàng là trên hết nên phải chấp nhận làm.
Theo các doanh nghiệp, khi vào Walmart hay bất cứ hệ thống bán lẻ toàn cầu nào khác, doanh nghiệp sẽ nâng cao vị thế, uy tín, giá trị hàng xuất khẩu. Một ký cá tra bán ở hệ thống Walmart có thể lên đến 10 USD, cao hơn gấp 3 lần trung bình giá xuất khẩu hiện nay, đủ để hấp dẫn doanh nghiệp. Tất nhiên, Walmart luôn nổi tiếng là “ép giá rẻ” nhưng chỉ cần bán được hàng cho Walmart, một công ty Việt Nam có thể tiếp cận được toàn bộ thị trường Mỹ.
Minh Khoa
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này