
09:37 - 11/01/2017
Thịt heo giảm, nông dân khóc tiểu thương cười
Tình cảnh trên đang diễn ra với những người kinh doanh miếng thịt heo. Trong lúc hàng triệu nông dân đang phát rầu, lỗ chỏng chơ vì heo ùn ứ, giá giảm thê thảm thì cánh tiểu thương lại hoan hỉ vì bán được thịt heo giá hời cho người tiêu dùng.

So với giá heo ở trại và giá sỉ đang ế ẩm, thừa mứa ở chợ đầu mối thì mức giảm giá bình ổn vẫn chênh lệch tới 25.000 – 30.000 đồng mỗi kg.
Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm cần sự ra tay của cơ quan quản lý thị trường, tài chính để đưa hàng hoá cân bằng về giá sỉ và lẻ nhưng rất tiếc, không thấy bóng dáng lực lượng này ở đâu!
Gió đổi chiều
Phiên chợ đêm ngày 9/1, giá thịt heo mảnh tại chợ đầu mối nông sản Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (quận 8) vẫn chỉ dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Nhiều thương lái cho hay, về gần cuối phiên, do áp lực nguồn cung còn quá nhiều, có thời điểm giá sỉ giảm xuống còn… 20.000 đồng/kg. Có thể nói, đây là mức giá thịt heo bán sỉ ở một chợ đầu mối được ghi nhận thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây…
Như vậy, giá thịt heo bán sỉ ở hai chợ đầu mối tiêu thụ trọng điểm của cả khu vực miền Đông, miền Tây và Tây Nguyên đã có trọn bốn tuần liên tục ở mức thấp. Khác hẳn với hồi tháng 11/2016 trở về trước, giá thịt heo bán sỉ ở Tân Xuân và Bình Điền lúc nào cũng đứng ở mức 60.000 – 65.000 đồng. Nông dân, thương lái đều hoan hỉ.
Bà Ba Lài, một thương lái ở chợ đầu mối Tân Xuân, nói thịt heo giảm giá ngày cuối năm là do nguồn cung đưa về hàng đêm quá nhiều, vượt 30 – 40% so với nhu cầu thực tế tại TPHCM. Nhiều tuần gần đây, cánh thương lái như bà Lài nhẩm tính, mỗi đêm chợ đầu mối phải “cõng” 7.000 – 8.000 con heo, trong khi “sức lực” của chợ này chỉ có thể gánh được 4.000 – 5.000 con.
“Nghe tin nông dân không xuất heo được sang Trung Quốc, nên từ khắp nơi đổ về chợ đầu mối. Cung vượt cầu thì giảm giá là phải. Heo sỉ giảm giá thì thương lái cũng chẳng vui chút nào vì bán ế ẩm lắm, có đồng lời nào đâu”, bà Lài tâm sự.
Có một thực tế đáng buồn là giá heo ở trại và chợ sỉ lại đang “lạc nhịp” khá xa so với giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Theo tính toán, trong vòng khoảng một tháng trở lại đây, giá heo hơi và giá sỉ giảm trên 10.000 đồng/kg, nhưng khu vực bán lẻ, đặc biệt là chợ truyền thống vẫn giữ y nguyên.
Bà Minh, tiểu thương ở chợ Bắc Ninh, Thủ Đức, lý giải vẫn bán thịt đùi 85.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 – 100.000 đồng/kg, chân giò 70.000 đồng/kg, sườn non… 130.000 đồng/kg là do “trong con heo chỉ có mấy thứ này là ngon nhất” nên phải bán cao giá (!?).
Cũng có tiểu thương giải thích theo kiểu ngu ngơ, rằng “không hay, không biết, không quan tâm” tới giá heo ở trại và giá sỉ ở chợ đầu mối. Có người còn viện dẫn tới những khoản thuế này, thuế nọ mà họ phải đóng góp hàng tháng không được cơ quan nhà nước miễn giảm. Hoặc có ý kiến còn cho là dù giá heo có giảm đi nữa thì lượng thịt họ bán mỗi ngày cũng không tăng lên được. Nên thà rằng giữ giá như vậy còn hơn.
“Ôi trời! Cả chợ người ta bán giá như vậy, có ai giảm giá đâu mà kêu tui giảm?”, bà Thuỷ, tiểu thương chợ Bắc Ninh, làm toáng lên sau khi có người thắc mắc tại sao thịt heo không giảm giá!
Không nói quá, việc khăng khăng giữ giá bán lẻ đang mang lại nguồn lợi nhuận rất cao dành cho tiểu thương. Nếu như trước đây, khi giá heo hơi đứng ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg thì người chăn nuôi bỏ túi cả triệu đồng tiền lời một con heo. Còn nay, khoản lời 1 triệu đồng này lại vào túi tiểu thương vì giá thịt bán lẻ đến người dùng đang cao gấp đôi so với giá sỉ tại chợ đầu mối.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, thông thường heo hơi phải giảm một thời gian thì thịt heo trên thị trường mới giảm theo, và mức giảm của thịt heo bán lẻ chỉ bằng 50% so với mức giảm giá của heo hơi, chẳng hạn heo hơi giảm 10.000 thì thịt heo bán lẻ trên thị trường giảm khoảng 5.000 đồng/kg.
Thua lỗ vẫn phải làm nghĩa vụ bình ổn
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc giá thịt heo bán lẻ trên thị trường không giảm tương thích so với giá từ các trại nuôi, một phần vì giá heo tại TPHCM đang được áp dụng theo chương trình bình ổn. Trong khi đó, giá thịt trong chương trình bình ổn thường có xu hướng dẫn dắt thị trường, nên khi sản phẩm của các doanh nghiệp trong chương trình chưa giảm thì thịt heo trên thị trường cũng ít biến động.
Một diễn biến mới nhất, dù giá thịt heo đã giảm cả tháng nay nhưng mãi đến sáng ngày 5.1, sở Tài chính TPHCM mới quyết định điều chỉnh giá thịt heo của một số đơn vị tham giá bình ổn. Một số công ty đồng loạt giảm 3.000 đồng/kg với tất cả các mặt hàng: thịt ba rọi còn 86.500 đồng/kg, chân giò 67.000 đồng/kg, thịt vai 76.000 đồng/kg, thịt đùi 82.000 đồng/kg…
Tuy nhiên, so với giá heo ở trại và giá sỉ đang ế ẩm, thừa mứa ở chợ đầu mối thì mức giảm giá bình ổn thì vẫn chênh lệnh tới 25.000 – 30.000 đồng mỗi kg. Câu hỏi đặt ra là không biết thời điểm này, một đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn như TPHCM vẫn giữ chính sách bình ổn thịt heo để làm gì?
Ngay cả trứng gia cầm, thịt gia cầm cũng đang giảm tới đáy, nhưng vẫn chịu quản lý bình ổn giá. Chính sách bình ổn, rõ ràng không mang lại hiệu quả cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, mà ngược lại, đang có lợi cho một nhóm doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ. Nếu cứ vẫn neo giá bán lẻ ở mức quá cao thì không thúc đẩy tiêu dùng, kích thích đầu ra, do đó, hàng hoá càng ế ẩm, càng rớt giá.
Giám đốc một doanh nghiệp giết mổ phân tích, nếu doanh nghiệp mua heo hơi ở mức 30 – 31.000 đồng, thì hao hụt sau giết mổ khoảng 25 – 30%. Nghĩa là một con heo trọng lượng 100kg còn khoảng 70 – 75kg thịt, có giá thành khoảng 45 – 50.000 đồng. Nếu bán giá lên tới 80 – 90.000 đồng như hàng bình ổn thì rõ ràng là doanh nghiệp đang lời khủng.
Bên cạnh sự chậm chạp điều chỉnh hàng bình ổn, cơ quan quản lý, nhất là lực lượng quản lý thị trường cũng không thấy có mặt ở các chợ lẻ giám sát giá cả hàng hoá. Hơn nữa, ở các chợ đều có ban quản lý, lẽ ra, sự bất thường của giá thịt heo trong những tuần gần đây phải được xử lý. Rất tiếc là người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao, trong khi người sản xuất thì đang thua lỗ nặng nề.
bài, ảnh Bảo Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này