09:09 - 06/03/2019
Thị trường Trung Quốc, mênh mông mà không dễ vào
Xuất khẩu tiểu ngạch bấp bênh khiến vấn đề bán chính ngạch được mang ra bàn rất sôi nổi. Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ, tưởng rằng thị trường Trung Quốc “cái gì cũng mua, thứ gì cũng mua” sao giờ khó vậy?
Cách nhìn đó một thời khiến nhà nhà tải hàng ra biên giới bán, nhưng thực ra, thị trường Trung Quốc bây giờ…
Không rẻ, không dễ
Bắt đầu từ tháng 5/2018, Trung Quốc áp dụng quy định siết chặt truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Trước đó, họ thông báo nhiều lần về xu hướng ngày càng gia tăng kiểm soát an toàn thực phẩm với sản phẩm nhập khẩu của họ. Khẳng định, Trung Quốc là một thị trường mênh mông, có độ lớn khủng là luôn luôn đúng, nhưng định kiến thị trường dễ tính thì sai.
Doanh nhân Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời, nhận xét: hai xu hướng chính mà tôi thấy đang rất đúng với thị trường Trung Quốc hiện nay là: “Nhu cầu chất lượng ngày càng cao và truy xuất nguồn gốc ngày càng chặt chẽ. Những mặt yếu và khó của nông sản Việt thể hiện rõ ở việc bảo quản, chế biến, hệ thống hậu cần (logistics) yếu và tổ chức thị trường không đạt yêu cầu, không hiệu quả”.
Ông Huỳnh Văn Thòn tâm đắc về sự kiên trì đầu tư của ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch, tổng giám đốc công ty Vinamit, với thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Vinamit là doanh nghiệp đầu tiên nhận được chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc. Tức đạt được mức khó nhất về tiêu chuẩn chất lượng, về tính an toàn và mặc nhiên thị trường sẽ chấp nhận giá bán là giá chuẩn của sản phẩm organic.
Ông Nguyễn Lâm Viên nhận xét về thị trường Trung Quốc: “Vào thị trường này không thể cạnh tranh bằng giá mà cần tạo dựng thương hiệu, luôn nâng cao chất lượng mới đứng vững. Vấn nạn hàng giả là lớn, mình càng phải xây dựng thương hiệu tin cậy và vấn đề an toàn thực phẩm được đặt nặng nhất so với các yêu cầu khác, nên cũng phải đầu tư cho nhu cầu này”.
Cơ hội chỉ dành cho sản phẩm chất lượng
Đó là nông sản, còn thuỷ sản thì sao? Theo số liệu từ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đứng trong top 10 các nước xuất khẩu thuỷ sản qua Trung Quốc (nhưng là… hạng 10), với mức xuất khẩu năm 2018 đạt được 1,3 tỷ USD.
Nhìn bảng thống kê của Hải quan Việt Nam, ta thấy xuất khẩu thuỷ sản năm 2018 giảm chủ yếu do xuất khẩu tôm giảm mạnh (tôm chiếm 41% tổng lượng xuất khẩu). Mức xuất khẩu tôm năm 2017 là 683 triệu USD, giảm còn 492 triệu USD năm 2018, giảm 28%. Nguyên nhân sụt giảm có thể coi là tiêu biểu cho sự sụt giảm các loại sản phẩm khác nữa: bị cạnh tranh bởi tôm Ấn Độ và Ecuador, đồng thời do Trung Quốc siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm.
Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký VASEP, phân tích: từ năm 2015 Trung Quốc nổi lên thành thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn thế giới. Đặc điểm của thị trường này là nhu cầu đa dạng và chất lượng yêu cầu ngày càng cao.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thuỷ sản Việt Nam và có mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định hơn so với các thị trường khác. Thương mại điện tử phát triển mạnh ở Trung Quốc, và thuỷ sản cũng là một mặt hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online.
Ngoài ra, xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam, đặc biệt là từ phía Nam, đang có phần thuận lợi hơn các đường vận chuyển khác (chi phí rẻ hơn so với trước).
Trong khi giải pháp mà ông Huỳnh Văn Thòn đưa ra là tập trung khắc phục mặt yếu về công tác tiếp thị và tổ chức thị trường của doanh nghiệp Việt; thì ông Hoè đề cập giải pháp toàn diện hơn: về mặt chủ quan, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm và định hướng tăng xuất khẩu chính ngạch. Việc kiểm soát tốt chất lượng có thể giải quyết bằng cấp chứng thư do xuất khẩu đường bộ, mà không cần chứng thư có thể tạo ra những hệ luỵ về chất lượng, cũng như hình ảnh sản phẩm thuỷ sản Việt Nam.
Một yêu cầu cũng rất quyết định là cần thúc đẩy cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đưa danh sách các sản phẩm Việt có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc vào “Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc”. Hiện nay, việc này còn gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Cuối cùng là vấn đề nắm thông tin thị trường, trong đó có thay đổi chính sách của nhà nước trung ương và các địa phương của Trung Quốc. Ví dụ, các doanh nghiệp thường không nắm kịp thời các thông tin về thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng thuỷ sản qua đường biên, nên kế hoạch xuất khẩu gặp khó khăn. Điều này, từng doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam khó tự mình đảm đương, mà rất cần các cơ quan chức năng có các biện pháp thường xuyên cập nhật và thông báo kịp thời những thay đổi này cho doanh nghiệp.
Thực tế, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát về an toàn thực phẩm, là do chính người tiêu dùng của họ có nhiều mặc cảm và mất lòng tin về tính an toàn với sản phẩm nội địa. Như hai vụ “đại dịch” về sữa bẩn xảy ra vào tháng 8/2008 (sữa Sanlu nhiễm melamine – hoá chất độc hại giàu nitơ). Hậu quả là trong năm 2008 có ít nhất sáu trẻ chết, 294.000 em mắc bệnh suy thận, sỏi thận… và sau đó, đến năm 2011, là vụ “sữa da”, sữa nhiễm đạm thuỷ phân từ phế liệu động vật, có chứa kim loại nặng crôm (bị ém thông tin từ năm 2005 – 2011 mới có tin chính quyền đang xử lý!). Sau những vụ thực phẩm bẩn đó, là cơ hội cho nông sản thực phẩm nào đảm bảo tính an toàn – chất lượng cao.
Tuy nhiên, để chớp lấy cơ hội bán hàng vào Trung Quốc, chúng ta cần ý thức được cơ hội xuất phát từ sự nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, từ đó có sự chuẩn bị thật tốt, làm nền tảng để sản phẩm “không bị loại từ vòng gửi xe”. Còn lại là vấn đề tổ chức thị trường, làm công tác xúc tiến thị trường hiệu quả.
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này