10:01 - 14/11/2019
Thị trường ngách vẫn sống tốt
Cuối năm 2003, Mỹ đột ngột đưa ra quyết định đánh thuế chống bán phá giá con cá tra Việt Nam.
Từ chỗ đang làm ăn khấm khá, cả ngành cá tra điêu đứng, nhưng câu chuyên của công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Cửu Long An Giang (CL-Fish) tìm cách “sống sót” giữa giông bão thị trường ngày đó, đáng để các doanh nghiệp lưu tâm…
Liên tục tìm kiếm thị trường mới
Bà Trần Thị Vân Loan, tổng giám đốc CL-Fish, kể ngày trước gia đình bà cũng là người nông dân nuôi cá, sau đó tự làm nhà máy và tự xuất khẩu. Lúc đó, chủ yếu bán cho thị trường EU, Mỹ với giá rất cao, nên kinh doanh của cả ngành cá tra gặp nhiều thuận lợi. Nhưng đến năm 2003, Mỹ áp thuế chống bán phá giá, EU cũng không cho nhập vô, tất cả đều chựng lại, ngành cá không có cửa nào để sống sót. “Nhà máy chúng tôi có cả ngàn công nhân không thể nào ngừng hoạt động được. Lúc đó, tôi tìm tới Dubai”, bà Loan kể.
Trong trí nhớ của bà Loan, thời đó thị trường Dubai rất xa lạ, muốn bay qua đó cũng không dễ, vì Việt Nam chưa có chuyến bay thẳng nào. Tuy nhiên, nhân một cuộc hội thảo thuỷ sản ở Dubai, bà là người được đối tác mời và quyết định đi thử cho biết. “Lúc đó, người ta không biết con cá tra của mình! Họ không biết nó như thế nào. Dubai có một loại cá làm fillet tương đồng với con cá tra, nhưng cá tra ngon gấp mấy lần, giá rẻ và sản lượng thì vô bờ bến”, bà nói.
Sau chuyến dự hội thảo, điều may mắn đến với CL-Fish, công ty có nhiều hợp đồng cung cấp cá tra cho nhà nhập khẩu ở Dubai. “Năm đầu tiên chúng tôi có lời 36 tỷ đồng, trong khi vốn xây nhà máy gần 22 tỷ”, bà Loan nói. Vừa thoát chết mà tìm được thị trường mới, bà Loan ví mình đã trúng số. “Nhiều khi nghĩ lại không biết sao điều đó xảy ra với mình”, bà tâm sự và cho hay, mức lời vượt cả tổng vốn xây nhà máy cho năm đầu thâm nhập một thị trường hoàn toàn mới và xa lạ, làm bà Loan thật sự khó tin, đến nỗi bà nghi ngờ kế toán làm sai sổ sách và phải thuê công ty kiểm toán ở Sài Gòn xuống coi lại số liệu.
Dubai là cửa ngõ thị trường Trung Đông, nối kết với các nước châu Phi, dễ cho sản phẩm mới nhiều ưu thế, như con cá tra. Và công ty Cửu Long là doanh nghiệp đầu tiên bán hàng thành công với mức giá bán rất cao vào thị trường này. Bài học mà bà Loan rút ra ở đây, là phải liên tục thâm nhập, mở rộng thị trường mới ngay cả khi các thị trường truyền thống đang mang về doanh số ổn định. Và, thị trường ngách vẫn là cửa sống cho doanh nghiệp nếu biết khai thác tốt.
Liên kết
Trung Quốc và Indonesia là hai quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược nuôi cá tra, thông tin này không còn mới, nhưng ngành cá tra Việt Nam phải thấy được áp lực cạnh tranh đang nặng dần, để có hướng thay đổi cho phù hợp. Do đó, việc nuôi cá có quy hoạch sản lượng, nuôi theo tiêu chuẩn, chất lượng là bài toán tháo gỡ khó khăn, cần phải được thúc đẩy nhanh hơn. Bà Loan dẫn chứng: khi vùng nuôi đạt tới sản lượng 1,5 – 1,7 triệu tấn nguyên liệu cách nay hai năm, nhưng giá trị xuất khẩu cũng chỉ được 1,7 – 1,8 tỷ USD; còn khi có 1,1 – 1,2 triệu tấn như năm 2018, vẫn thu về 2,2 tỷ USD. Chúng ta chọn cách nào, chạy theo số lượng hay chất lượng?
Từ bài học của CL-Fish, theo bà Loan, trước tình cảnh khó khăn, ngành cá tra phải sắp xếp lại cho tinh gọn hơn, nuôi ít và nâng chất lượng trong mọi khâu. Các thông tin quy hoạch, thị trường phải rõ ràng để người nuôi nắm được xu hướng, làm sao đạt tiêu chuẩn, làm sao
sản phẩm có thể đi đến người tiêu dùng…
Ngoài ra, người nuôi, doanh nghiệp muốn duy trì bền vững nghề này, phải tìm chuỗi liên kết an toàn, chứ nuôi cá tra, vốn lớn mà không nắm bắt yêu cầu, kỹ thuật thì rủi ro rất lớn. “Dù có vùng nuôi riêng, nhưng công ty lúc nào cũng dành khoảng 30% sản lượng cho người nuôi liên kết. Công ty cung cấp thức ăn và thu lại cá đúng lứa. Nếu nông dân liên kết với nhà máy, nuôi đúng size, đúng lứa, sẽ tránh được rủi ro”, bà Loan nói.
“Nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam mướn nguyên nhà máy làm rồi đưa hàng biên mậu về Trung Quốc, nên giá rẻ. Họ lấy giá đó ép xuống nhà máy khi mua hàng của mình. Họ luôn hỏi tại sao không làm cho họ giá đó, nhưng những doanh nghiệp làm ăn bài bản không làm được, vì nhà máy đã đầu tư theo chuẩn EU, Mỹ, nuôi công nhân để làm tiêu chuẩn, nếu gia công cho họ (chỉ mua nguyên liệu làm theo mùa rồi đem về), lại muốn ở suốt trong nhà máy 24 giờ sẽ vỡ trận hết. Ngoài ra, có khi hàng trên đường đi dù đúng những yêu cầu, nhưng khi có thay đổi chính sách từ nội địa nước họ thì sẽ không nhập hàng, và mình phải mang về. Thật sự rất khó chịu khi làm với họ”, bà Vân Loan bức xúc nói.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này