10:58 - 17/01/2018
Thanh nhãn Bạc Liêu ‘lên đời’
Trần Thanh Bồng ở Đông Bình (Bình Minh, Vĩnh Long) có 9 công đất vườn tạp, cùng với bốn anh em khác rủ nhau qua Cần Thơ mua 924 cây giống thanh nhãn vào ngày HTX Thuý Giang (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) ra mắt 5/1/2018; hợp đồng được ký kết trị giá 76.600.000 đồng.
Cơ duyên
Trước đó hợp tác xã (HTX) đã bán 3.000 cây giống cho nhiều nhà vườn khác với giá 90.000 đồng/cây.
Khi mới lập vườn nhãn 3ha ở Tân Phú, giống mua tại Bạc Liêu là 120.000 đồng/cây, không trừ hao cây nào, Phạm Quang Đạm, giám đốc HTX Thuý Giang, cho biết. Xuất thân từ một gia đình nông dân nhiều đời ven rạch Cái Cui, phường Tân Phú, khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, quay lại với mảnh vườn nhà rộng 7.000m2 trồng đủ loại cây, Đạm nhìn thấy một triển vọng trang trại chuyên canh trên mảnh đất trù phú ven sông Hậu. Ông mua đất từ từ, từng miếng để mở rộng diện tích cây cam sành. Đã có nhiều tỷ phú cam sành xuất hiện trong thời kỳ đó, nhưng có vẻ như cái duyên với cây cam của Đạm không dài, thời may anh được người quen giới thiệu thanh nhãn.
Thanh nhãn là một cá thể đột biến trong quần thể nhãn Bạc Liêu do một chủ vườn ở Giồng Nhãn, Hiệp Thành, Bạc Liêu tình cờ phát hiện; đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Ngoài ưu điểm trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước… một đặc tính nổi trội khác của thanh nhãn là không bị bệnh chổi rồng.
Tìm tới Giồng Nhãn, Bạc Liêu và không chỉ một hai lần, tới khi ăn thử trái nhãn đầu tiên, ông Đạm bị thuyết phục hoàn toàn, ông mua nhiều đợt. Đầu tiên chỉ đủ cây giống trồng trên 1,5ha đất đang có, sau đó mua thêm đất, xuống giống đợt hai trên diện tích 1,5ha.
Ông Bồng nói là mình chỉ biết về cây thanh nhãn qua các tài liệu, nhưng vẫn tin rằng đó là một loại cây đáng để chọn với ưu điểm, ít dịch bệnh, đặc biệt là giá bán quá hấp dẫn.
Chia sẻ
Cách đây sáu tháng, 13 thành viên của HTX Thuý Giang chưa nghĩ hợp tác với nhau trong chuyện làm vườn. Ai cũng có đất và có cây trồng để hưởng huê lợi. Đó là cam là bưởi, sầu riêng, xoài, ổi. 2 tấn Thanh Nhãn “trái chiến để thử” của Đạm đã làm mọi người ngạc nhiên khi giá bán “quảng cáo” đã ngót 100.000đ/kg. Khi ngồi lại với nhau để tính chuyện tương lai, nếu không chỉ 2 tấn mà là 20 rồi 200 tấn, câu chuyện thanh nhãn sẽ diễn biến tới đâu? Cây tốt trái sai tại sao không nhân giống, bán giống? Khách tới tham quan vườn sẽ mở ra triển vọng khai thác du lịch, bản quyền, v.v.
Một nhà vườn với vài công đất may lắm đủ ăn, nhưng một tập thể đồng lòng thì… có quyền nghĩ tới chuyện kinh doanh. Phòng kinh tế quận Cái Răng chính là “bà đỡ” cho sự ra đời của HTX Thuý Giang, với ý định chuyển đổi cây trồng toàn quận bằng cách hỗ trợ 60% chi phí giống thanh nhãn cho các hộ nghèo thuộc diện chính sách. Trong giấy phép hoạt động, HTX Thuý Giang có ghi một loại hình kinh doanh là phát triển du lịch cộng đồng. Chỉ làm du lịch cộng đồng, các thành viên khẳng định như vậy.
Vườn trái cây nhiều chủng loại là thế mạnh trong khai thác du lịch của phường Tân Phú, nhưng chính các con đường bê tông xuyên qua những vườn cây xanh mát, những bờ sông lộng gió và những hiên nhà, những khoảng sân lót gạch tàu cũ kỹ tĩnh lặng, mới làm tăng thêm ý nghĩa và vẻ đẹp của không gian nhà vườn Cần Thơ.
13 thành viên đã đồng ý hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, bằng cách chăm sóc vườn cây trái theo quy trình an toàn và gìn giữ nếp sinh hoạt vùng ngoại ô xanh sạch như lâu nay. Cả cộng đồng cùng làm, bắt đầu từ HTX Thuý Giang, đó chính là định hướng phát triển của một HTX còn non trẻ, cách nội ô Ninh Kiều 6 – 7 cây số.
Cần Thơ đón hơn 7,5 triệu lượt du khách trong năm vừa qua, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2016; tổng doanh thu trên 2.879 tỷ đồng. Năm 2018, TP Cần Thơ đặt mục tiêu tăng lượng khách lưu trú lên hơn 2,45 triệu lượt (khách quốc tế là 350.000 lượt); tổng doanh thu từ du lịch tăng lên hơn 3.500 tỷ đồng.
Hiện nay, Cần Thơ đã hoàn thành hồ sơ đề xuất công nhận các điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố gồm: vườn sinh thái Lê Lộc, khu du lịch sinh thái Bảo Gia Trang Viên, cơ sở hủ tíu Sáu Hoài, vườn du lịch sinh thái Giáo Dương, khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; đồng thời đề xuất công nhận các điểm du lịch tiêu biểu cấp đồng bằng sông Cửu Long gồm: Chợ nổi Cái Răng, Thiền viện Trúc Lâm phương Nam, làng du lịch Mỹ Khánh, khu du lịch Lung Cột Cầu, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Thuỷ.
Các cơ sở lưu trú phục vụ 2.184.385 lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế lưu trú đạt 305.167 lượt khách, tăng 18%; khách nội địa lưu trú đạt 1.879.218 lượt, tăng 28%. Hầu hết du khách quốc tế rất thích các ngôi làng ven đô thị và tiếp cận cuộc sống làng quê chất phác, thân thiện.
bài, ảnh Đỗ Khuê
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này