
09:56 - 03/01/2019
Phập phồng ngành chăn nuôi hơn 10 tỷ USD
Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus châu Á, nói: “Ngành chăn nuôi Việt Nam có giá trị hơn 10 tỷ USD, nhưng muốn xuất khẩu phải xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh”.
Những ngày cuối năm 2018, người chăn nuôi cả nước đang vật lộn chống bệnh lở mồm long móng (FMD) trên heo. Cùng với dịch cúm gia cầm, bất cứ quốc gia nào còn tồn tại FMD đều bị các nước nhập khẩu liệt vào danh sách cấm xuất khẩu…
Không dám mở rộng đầu tư vì… dịch bệnh
Công ty De Heus (Hà Lan) nằm trong số ít doanh nghiệp nước ngoài đang xây dựng chuỗi liên kết với nông dân nuôi gà ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Mỗi tuần, hơn mười chủ trại gà đang nuôi liên kết hơn 400.000 con gà công nghiệp, chiếm 18% tổng đàn gà khu vực (2,2 triệu con) với giá thành chỉ dưới 1 USD/kg, trong khi châu Âu và Thái Lan cỡ 1 USD/kg. Nuôi gắn liền với trách nhiệm quản lý chất lượng giữa chủ trại, doanh nghiệp thức ăn, sản xuất giống và nhà máy giết mổ, vậy mà vị tổng giám đốc De Hues châu Á vẫn cho rằng, để xuất khẩu được phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
“Các trang trại liên kết với công ty nuôi gà đạt chất lượng, giá thành thấp, sạch bệnh cũng chưa xuất khẩu được nếu như trong vùng đó còn dịch bệnh và chưa được các nước công nhận kiểm soát dịch bệnh”, Gabor Fluit nói.
Những gì Gabor Fluit phản ánh là thực trạng chung ở ngành chăn nuôi Việt Nam, quốc gia chưa bao giờ giải quyết dứt điểm các loại dịch bệnh mà tổ chức Thú y thế giới liệt vào dạng nguy hiểm như FMD và cúm gia cầm. Hàng năm, nhiều nơi vẫn xảy ra dịch cúm gia cầm, FMD nhưng đây là điểm nghẽn nên Việt Nam chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ngoại trừ năm ngoái bán được con gà qua Nhật Bản, do các công ty Nhật tự liên kết chăn nuôi, tự kiểm soát chất lượng, chứ không phải doanh nghiệp Việt làm.
“Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được về giá, chất lượng so với các nước, nhưng điểm yếu của chúng ta là chưa tạo ra môi trường chăn nuôi sạch bệnh. Muốn đáp ứng được điều kiện này, phải quy hoạch lại chăn nuôi, tạo ra các vùng đệm để tiến tới xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn”, giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai, bình luận. Theo vị giám đốc này, vài năm nay cơ quan thú y chứng nhận cho hơn 400 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại khu vực phía Nam đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng chừng đó chưa đủ, vì cần phải được nước ngoài đánh giá, công nhận.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội chăn nuôi gia cầm miền Đông, từng có nhiều lần đi thực địa các trang trại nuôi gà ở Hà Lan, Bỉ, Pháp, nói: “Việt Nam đang đi ngược lại các nước có ngành chăn nuôi phát triển là đưa chăn nuôi vào quy hoạch tập trung”. Theo ông Ngọc, chăn nuôi là ngành đặc thù, dễ lây lan dịch bệnh nên khi đưa vào nuôi tập trung rất nguy hiểm, vì vậy các nước quy định “trại cách trại” ít nhất 1 – 3km nhằm đảm bảo an toàn.
“Không nơi nào trên thế giới đưa ra quy định như Việt Nam. Đây là vấn đề mấu chốt làm các công ty nước ngoài không dám mở rộng sản xuất vì họ sợ rủi ro. Đáng lý, với công nghệ đầu tư như hiện nay và đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, thì ngành gà trắng công nghiệp phải phát triển mạnh chứ không thể dậm chân tại chỗ nhiều năm nay như vậy. Mỗi tháng, các doanh nghiệp nước ngoài nuôi khoảng 16 triệu con gà trắng, tương đương 32.000 tấn gà thịt. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ nội địa liên tục tăng nên mỗi tháng, Việt Nam nhập từ 16.000 – 17.000 tấn thịt gà các loại, bằng nửa khối lượng hàng hoá của chăn nuôi nội địa”, ông Ngọc nói.
“Tại sao chúng ta có đất, có vốn, có kinh nghiệm và công nghệ lại không thúc đẩy chăn nuôi để lấy thị phần nội địa và xuất khẩu thu ngoại tệ? Vấn đề là cách làm của chúng ta chưa đúng, còn nặng tính bảo thủ”, ông Ngọc đặt vấn đề.
Thay đổi tư duy…
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, ngoài cách thức tiếp cận chăn nuôi chưa hợp lý, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam còn gặp rắc rối trong vấn đề sử dụng vắc xin. Với bệnh FMD, trong khi các nước gần Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc… đã xoá sổ từ lâu, còn Việt Nam vẫn loay hoay năm nào cũng chống dịch. “Chính phủ các nước hỗ trợ miễn phí vắc xin cho nông dân, họ còn xã hội hoá nghiên cứu sản xuất và nhập vắc xin cho các doanh nghiệp chăn nuôi; còn Việt Nam ngược lại, vẫn giao một số công ty độc quyền nhập vắc xin, chưa mở rộng cho các doanh nghiệp chăn nuôi khác được nhập khẩu”, một chuyên gia chăn nuôi chia sẻ.
Mỗi năm Việt Nam đang nuôi hơn 30 triệu con heo, trâu bò và hơn 6 triệu dê cừu. Nếu chích đúng, chích đủ 2 liều vắc xin/con/năm, cần khoảng 70 triệu liều, nhưng thực tế năm 2017, theo báo cáo của các công ty nhập vắc xin ngừa bệnh FMD, chỉ nhập có 25 triệu liều, nghĩa là có hàng triệu con gia súc chưa được chích vắc xin phòng bệnh.
“Bệnh FMD đang làm người nuôi lo lắng, tết nhất tới nơi nhưng cứ hồi hộp giá cả và dịch bệnh”, ông Trần Quang Trung, một chủ trại heo ở Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) nói.Theo ông Trung, với các trang trại lớn, phác đồ sử dụng vắc xin cho đàn heo khá đầy đủ, mỗi năm chích ngừa hai lần, dù tốn kém cũng phải mua để chích.Tuy nhiên, các trại trại chăn nuôi nhỏ lẻ lại khác, họ không quan tâm, nhiều khi chỉ chích một lần, có khi không chích.
“Theo thống kê của cục Thú y, bệnh FMD đang xảy ra cả nước, phần lớn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại lớn rất ít do đã được chích ngừa đầy đủ”, ông Trung nói thêm.
CPTPP vừa được thông qua.Trong khi lộ trình loại bỏ thuế của các nước thường chỉ 3 – 7 năm, thì các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được hưởng lộ trình dài hơn.Thịt gà chỉ xoá bỏ thuế nhập khẩu sau 11 – 12 năm.Thịt heo tươi có lộ trình loại bỏ thuế là 10 năm, thịt đông lạnh tám năm. Đường, trứng, muối chỉ xoá bỏ thuế quan cho khối lượng nhất định (hạn ngạch) và lộ trình từ 6 – 11 năm… Tuy nhiên, câu chuyện nông sản nói chung, chăn nuôi nói riêng không chỉ có vấn đề thuế. Nhiều nước trong CPTPP có thể loại bỏ thuế ngay đối với chăn nuôi, nhưng quy trình cấp phép và kiểm tra kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất ngặt nghèo, vì vậy vẫn có thể ngăn cản sản phẩm nhập khẩu mà không cần dùng công cụ thuế.
Bảo Ngọc (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này