15:06 - 11/12/2018
Nông sản Việt nặng gánh chi phí logistics
Chi phí logistics chiếm rất cao trong tổng thể chi phí của doanh nghiệp khiến hàng hóa Việt Nam suy giảm lợi thế cạnh tranh.
Giáp ranh với thành phố Cần Thơ, đầu tàu kinh tế, chính trị khoa học kỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng logistics tỉnh Hậu Giang được đánh giá cao, hỗ trợ hoàn thiện mô hình chuỗi giá trị nông sản mà tỉnh đang theo đuổi.
Hậu Giang hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế – xã hội rất thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Sân bay quốc tế Cần Thơ; bến cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ.
Ngoài 4 tuyến đường bộ quốc gia là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, còn có các tuyến đường tỉnh lộ, liên tỉnh quan trọng khác.
Hậu Giang có mạng lưới sông rạch rất thuận lợi với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu – một trong 2 nhánh sông lớn của sông Mekong, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ.
Kinh xáng Xà No, kinh Quản lộ Phụng Hiệp nằm trong hệ thống đường thủy quốc gia từ TP.HCM xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh ĐBSCL với Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á.
Hậu Giang cũng là một trong bốn tỉnh thuộc tiểu vùng tứ giác Long Xuyên, là một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước, nằm ở phía hữu ngạn sông Hậu, bao gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, có tổng diện tích khoảng hơn 500.000 ha.
Tuy nhiên, hiện nay mỗi tỉnh trong tiểu vùng tứ giác Long Xuyên đang theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội riêng lẻ, thiếu kết nối về mặt hạ tầng, lãng phí nguồn lực xã hội, đặc biệt gây khó khăn trong vận chuyển nông sản, hàng hóa.
Hệ thống cung ứng dịch vụ logistics cho ngành nông nghiệp của tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn rời rạc. Hệ thống đường thủy và đường bộ chưa kết nối thông suốt trong nội bộ từng tỉnh và trong toàn vùng làm gia tăng thời gian vận chuyển nông sản đến thị trường dẫn đến tỉ lệ hao hụt cao và tăng chi phí vận chuyển.
Nông sản khu vực nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng, vì vậy chưa có sức cạnh tranh đáng kể.
Theo định hướng quy hoạch giao thông vùng tứ giác Long Xuyên giai đoạn 2020 – 2030, mục tiêu đặt ra là giao thông trong toàn tiểu vùng được thông suốt, kết nối đường thủy bộ trong nội vùng giữa các đô thị trong vùng, kết nối với các đô thị trong vùng như Cần Thơ, TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, kết nối hành lang ven biển và tại các cửa khẩu quốc tế sang Campuchia.
Trong khuôn khổ diễn đàn logistics Việt Nam 2018 diễn ra hôm 7/12 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu cho rằng ngành logistics Việt Nam đóng góp vào GDP giá trị rất thấp, chỉ khoảng 3%-4%, trong khi chi phí logistics lại rất cao trong tổng thể chi phí của doanh nghiệp. Hàng hóa Việt Nam nói chung, nông sản Việt Nam nói riêng đang mất dần lợi thế do khoản chi phí này.
Chuỗi giá trị nông sản tỉnh Hậu Giang đang được quan tâm và phát triển theo mô hình khép kín, từ trồng trọt, chăm sóc, đến thu hoạch, sơ chế và chế biến sâu theo quy trình, giảm các chi phí trung gian. Tuy nhiên, mô hình này chỉ thực sự hiệu quả khi chi phí logistics, đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu hàng hóa nông sản, được tối giảm.
Ngày 12/12, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức Diễn đàn Kinh tế xanh 2018 với chủ đề “Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics”.
Theo Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này