
09:30 - 04/07/2018
Nhật Bản cần gà nhưng kiếm không ra
Cuối tháng 6 vừa qua, cục Thú y Nhật Bản cấp phép thêm hai dây chuyền chế biến thịt gà cho liên doanh Koyu& Unitek Việt Nam, nâng công suất lên 300 – 350 tấn/tháng, xuất khẩu vào Nhật Bản.
Trao đổi với TGTT, ông Hiếu Nhơn Khưu, tổng giám đốc Koyu & Unitek cho biết, thị trường Nhật đang có nhu cầu nhập khẩu khá lớn thịt gà từ Việt Nam, tuy nhiên chăn nuôi trong nước chưa thể đáp ứng.
Hiện Việt Nam có hàng ngàn trang trại chăn nuôi, nhưng không tìm được trang trại đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì sao?
Lượng nhiều nhưng chất chưa đạt
Koyu & Unitek đang xuất khẩu sáu loại sản phẩm gà chế biến (chủ yếu ở bộ phận cánh và đùi gà trắng công nghiệp) sang thị trường Nhật Bản với sản lượng khoảng 100 tấn/tháng. Nguyên liệu sử dụng lấy từ một trang trại chăn nuôi duy nhất ở Đồng Nai, được cục Thú y Nhật Bản cấp phép hồi đầu năm ngoái. “Tiêu chuẩn chăn nuôi của Nhật rất khắt khe, nên đến nay chỉ có một chủ trại nuôi gà duy nhất ở Việt Nam đáp ứng”, ông Khưu nói.
Kể từ khi những tập đoàn chăn nuôi như C.P (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia)… đầu tư, áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại, ngành chăn nuôi gà công nghiệp ở Việt Nam đã phát triển thành quy mô công nghiệp, với sản lượng trung bình khoảng 150 triệu con/năm. Nhưng, thay vì xuất khẩu, hầu hết số gà này chỉ được tiêu thụ nội địa, do chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm các tỉnh miền Đông, thừa nhận, dù chăn nuôi gà công nghiệp ở Việt Nam không thua gì các nước về quy mô, đặc biệt là giá thành, nhưng tiêu chuẩn chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu. Đối với Nhật và châu Âu, ông Ngọc cho biết, sản phẩm thịt gà đến tay người tiêu dùng ngoài việc đảm bảo chất lượng, còn phải tuyệt đối an toàn cho sức khoẻ, như không còn dư lượng kháng sinh, chất cấm, truy xuất được nguồn gốc. “Tập tính chăn nuôi nhỏ lẻ, cộng với môi trường chăn nuôi ở Việt Nam, khi làm hàng xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn”, ông Ngọc nói.
Một số chủ trang trại chăn nuôi gà cho rằng, hơn 3.000 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp dù đang áp dụng công nghệ nuôi hiện đại (nuôi chuồng lạnh, kín); nhưng tổng thể, số trại này vẫn phải “sống chung” với môi trường chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình (không áp dụng công nghệ – nuôi chuồng hở) nên rất dễ lây lan dịch bệnh, nhất là dịch cúm. Để đảm bảo sức đề kháng cho gà, chủ trại phải cần đến kháng sinh, vắc xin để điều trị, điều này đi ngược lại quy định của các nước nhập khẩu.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại gà ở Đồng Nai cho biết, để được Nhật Bản cấp phép xuất khẩu, khu trại của ông xây dựng ở khu đất biệt lập, có hành lang an toàn 3km, và phải mất hai năm làm mới đáp ứng ba tiêu chí: không kháng sinh tồn dư, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; không chất cấm; và kiểm soát chặt chẽ bệnh cúm, E. coli, Salmonella.
“Muốn làm trại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trước mắt phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh bằng các biện pháp tối ưu để kiểm soát, quản lý chặt chẽ theo quy trình chăn nuôi từ khâu chuẩn bị và chọn lọc con giống – cám – thuốc – hồ sơ truy xuất nguồn gốc – vận chuyển – giao nhận… Tất cả các nguyên liệu đầu vào phải được kiểm soát và chọn lọc kỹ lưỡng”, ông Kha khẳng định.
Cơ hội lớn, nhưng…
Trung bình mỗi năm, thị trường Nhật Bản nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thịt, trong đó Brazil cung cấp khoảng 420.000 tấn, Thái Lan 320.000 tấn và Trung Quốc 165.000 tấn… Riêng Thái Lan, nước có ngành chăn nuôi gà công nghiệp tương đương Việt Nam, trong số 320.000 tấn thịt gà xuất sang Nhật, 2/3 sản lượng dưới dạng chế biến giống như các sản phẩm của Koyu & Unitek đang xuất đi Nhật.
“Chúng tôi mới làm được 10% công suất nhà máy, kế hoạch đến cuối năm nay nâng lên 30% và muốn chạy hết công suất của ba dây chuyền phải cần 1 triệu con gà/tháng”, ông Khưu nói. Để có được 1 triệu con gà/tháng, Koyu & Unitek đã yêu cầu một số trang trại (đang hợp tác với công ty) ngay từ đầu năm 2019 phải mở thêm 20 chuồng. Nhưng theo ông Kha, một trong số chủ trại được Koyu & Unitek đề nghị nâng công suất, cho biết, sau nhiều tháng mới mua được khu đất xây tám trại, nhưng riêng thủ tục cấp phép xây dựng đã mất 285 ngày, chưa kể thời gian xin giấy phép đánh giá tác động môi trường, xây dựng vành đai an toàn… nên chắc chắn đầu năm sau không thể có trại để nuôi gà cho Koyu & Unitek.
“Trong ngắn hạn rất khó thực hiện mở thêm trại, vì quỹ đất dành cho chăn nuôi không còn.Hơn nữa, luật Chăn nuôi sắp được Quốc hội thông qua, vẫn cho phép các địa phương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Muốn làm trại biệt lập, an toàn sinh học theo tiêu chí kiểm soát bệnh cúm, không có E. coli, Salmonella… là không thể”, ông Kha nói.
Nhu cầu nhập sản phẩm thịt gà chế biến của Nhật Bản rất lớn, nếu làm tốt có thể lấy thị phần từ Thái Lan, Brazil. Nhưng với cách thức chăn nuôi hiện nay, muốn đẩy mạnh xuất khẩu không dễ.
Bảo Ngọc (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này