09:48 - 16/09/2019
Mở tuyến vận tải thủy từ nội địa Pháp đến Việt Nam
Việc khánh thành tuyến đường vận tải thủy từ nội địa Pháp kết nối với cảng biển Le Havre (Pháp) và Cái Mép (Việt Nam) được dự báo tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa hai nước và cả châu Âu (EU) “tìm đến nhau” nhanh và phong phú hơn.
Thông tin từ TTXVN tại Pháp, đường vận tải thủy nội địa kết nối cảng sông Gron thuộc tỉnh Yonne (Pháp) với cảng biển Cái Mép vừa được khánh thành. Theo đó, khoảng 600 tấn malt đại mạch (nguyên liệu chính để sản xuất các loại bia) của vùng Bourgogne-Franche-Comté, miền trung nước Pháp, sẽ được vận chuyển hằng tuần đến Việt Nam nhờ tuyến vận tải thủy mới này.
Hàng Việt thêm cửa ngõ vào EU
Có mặt tại buổi khai trương cảng kết nối này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Thiệp, cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu. Việc kết hợp vận tải đường sông nội địa Pháp với đường biển cho phép doanh nghiệp (DN) trong vùng gửi hàng hóa một cách nhanh nhất đến 2 cảng biển Le Havre của Pháp và Cái Mép của Việt Nam. Đặc biệt, tuyến đường này đón trước việc trao đổi thương mại giữa 2 nước, dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới, từ 5% lên 20%, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực. Bột mì, thịt và hoa quả từ vùng Bourgogne chuyên về sản xuất nông nghiệp sẽ đến Việt Nam nhanh hơn, phong phú hơn. Đổi lại, hàng hóa từ Việt Nam nếu đạt tiêu chuẩn châu Âu sẽ có cơ hội xuất sang Pháp nhanh hơn.
Anh Armor L.Nguyen sống tại Paris, hoạt động trong lĩnh vực thương mại du lịch, thông tin Bourgogne (gồm 4 tỉnh Côte d’Oe, Nièvre, Saône – et – Loire và Yonne) là một trong những vùng rượu nho nổi tiếng của Pháp, bên cạnh các vùng nổi tiếng về rượu nho khác như Bordeaux, Languedoc… Tuy nổi tiếng xuất khẩu rượu vang, nhưng Bourgogne không giàu có như vùng khác. Cách Paris 2 giờ chạy xe, nếu hàng hóa từ Việt Nam sang cảng sông Gron, trước mắt sẽ phục vụ tốt cho thị trường Paris, sau đó mở rộng sang các vùng lân cận và EU là có thể. Anh Armor L.Nguyen lưu ý, Pháp rất khắt khe trong vấn đề nông sản sạch. Nhưng qua được “ải” Pháp, hàng vào EU chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngoài nông nghiệp, vùng này nổi tiếng phát triển mạnh 2 ngành chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh học. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty VietEuro, DN chuyên xuất khẩu hàng đi châu Âu cho rằng, Việt Nam có thể mua máy móc nông cụ hiện đại từ đây, chở về bằng đường thủy, cước vận chuyển giảm hơn nhiều. Tuy nhiên, trước mắt có thể dễ thấy nhất là nông sản như lúa mì, rượu nho, đại mạch của Bourgogne có cơ hội vào Việt Nam nhiều hơn. Từ trước đến nay, bia sản xuất tại Việt Nam thường mua hạt malt đại mạch từ Hungary, nay với thông tin tuyến vận tải thủy kết nối cảng nội địa Pháp về Việt Nam, trước mắt để chở hạt malt làm bia cho thị trường Việt Nam. Kế đó mới tính tiếp hàng Việt sang EU. “Chưa nên nói vội cơ hội hàng nông sản Việt sang EU qua đường thủy quá sớm. Tuy nhiên, điểm cần lưu tâm là cách đưa hàng hóa, giới thiệu hàng hóa, kết nối thị trường nay đã khác. Sản phẩm quốc gia có thể kết nối giới thiệu đến từng địa phương nhỏ, đi qua lối giao thông “ngách” thôi, nhưng rất hiệu quả. Từ đây có thể làm thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và đưa hàng hóa vào thị trường lớn hơn là EU. Tôi cho đây là cách làm hay cần học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần tìm nhiều khách hàng mới lạ hơn từ khu vực EU”.
Bourgogne hưởng lợi trước
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển logistics Việt Nam, cho biết hiện nay hàng hóa từ TP.HCM đi châu Âu được vận chuyển qua 2 tuyến: Tuyến thứ 1 đi từ cảng Cát Lái, quá cảnh tại Singapore hoặc Hồng Kông, từ đó đi sang các “cảng mẹ” tại châu Âu rồi tỏa về các nước. Tuyến thứ 2 là đi thẳng từ cảng Cái Mép sang châu Âu. Đối với Pháp, hàng hóa của Việt Nam sẽ cập cảng biển Le Havre. Tuy đi trực tiếp từ Cái Mép tốt hơn, không mất thời gian quá cảnh 2 – 3 ngày, giảm chi phí xếp dỡ hàng, nhưng hiện nay tuyến Cát Lái vẫn có năng suất hoạt động lớn hơn. Nguyên nhân do cảng Cái Mép không có hàng, ít tàu cập.
Theo bà Hòa, tuyến vận tải thủy nối từ cảng Gron đến cảng Cái Mép, qua cảng biển Le Havre mới được khai trương, trước mắt chưa tác động nhiều tới chi phí vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam – Pháp vì hàng vẫn tập kết và trao đổi buôn bán tại “cảng mẹ” Le Havre. Hưởng lợi lớn nhất là vùng Bourgogne vì chi phí vận chuyển hàng đến/đi từ Le Havre về Bourgogne chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, việc “chỉ đích danh” đích đến là cảng Cái Mép sẽ giúp cụm cảng này tại TP.HCM có thêm nguồn hàng, tăng tỷ suất hoạt động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Hiệp định thương mại Việt Nam – EU sắp có hiệu lực, sẽ có nhiều hơn các mặt hàng được giao thương qua lại giữa 2 nước, 2 vùng. Việc di chuyển trực tiếp thuận tiện sẽ góp phần đưa hàng hóa Việt Nam qua Pháp nhanh hơn, vào sâu hơn và tiết giảm chi phí hơn.
“Không những thế, tàu từ Gron tới Cái Mép chắc chắn sẽ ghé qua nhiều cảng. Đây là cơ hội để nhập thêm hàng hóa với chi phí tốt dọc tuyến từ Pháp về Việt Nam, đảm bảo khai thác hiệu quả công suất của tuyến hàng này”, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa nói thêm.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam, vận tải chiếm từ 40 – 60% chi phí logistics. Thêm một tuyến đường biển được kết nối trực tiếp, thuận lợi sẽ giúp phí vận chuyển hàng hóa từ Pháp, mà cụ thể là vùng Bourgogne đến TP.HCM, rẻ hơn. Nguyên liệu rẻ cũng sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, người tiêu dùng hưởng lợi. Thực tế tuyến vận tải đường thủy nội địa này sẽ tác động lớn nhất đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Bourgogne, chứ không phải phía TP.HCM. Tuy nhiên nếu biết tận dụng, phía Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra cơ hội đẩy những mặt hàng thế mạnh, đủ tiêu chuẩn vào nhiều hơn, sâu hơn trong thị trường nội địa Pháp.
Theo Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này