09:40 - 26/08/2024
Mở lối cho xuất khẩu dừa
Ngoài việc kỳ vọng cơ hội sẽ mở ra trong thời gian tới từ Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dừa tươi vào Trung Quốc, ngành dừa Việt cần được mở lối để tiến xa vào “đường đua” tỷ USD trên thị trường toàn cầu.
Điều này rất cần nâng tầm chuỗi giá trị dừa, liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành dừa.
Với việc mở cửa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, quả dừa tươi được kỳ vọng mang lại tương lai tươi sáng hơn cho nông dân trồng dừa cả nước. Tuy nhiên, có ý kiến chuyên gia trong ngành đánh giá hiện nay ngành hàng dừa tươi còn đối mặt với những thử thách.
Cụ thể, thị trường dừa tươi Trung Quốc mang tính thời vụ, chỉ hút hàng vào mùa hè, còn tiêu thụ chậm vào mùa đông nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu phải liên kết thu mua “trọn gói” với nông dân vì khi đó sẽ khó khăn để điều tiết thị trường.
Hơn nữa, diện tích trồng manh mún, chỉ tính riêng Bến Tre diện tích dừa bình quân mỗi hộ chỉ có 0,4ha. Mặc dù, tỉnh Bến Tre đã nhìn thấy trước điều này, đã có quy hoạch vùng nguyên liệu dừa tươi nhưng diện tích vẫn còn khiêm tốn.
Điều quan trọng, diện tích manh mún nhưng người dân trồng nhiều loại dừa nên không đồng dạng sản phẩm. Khi nhà nhập khẩu yêu cầu về chất lượng đồng đều thì sẽ khó có đủ sản lượng để đáp ứng.
Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre giải quyết những vấn đề trên cần thiết phải có những quyết sách để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, để từ đó phát huy hiệu quả cao, bền vững chuỗi giá trị ngành dừa tươi cho thị trường vừa mới được mở cửa này. Đồng thời, ông Trần Văn Đức đề xuất cần “gõ cửa” thêm nhiều thị trường khác.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thực tế diện tích dừa được liên kết còn khá thấp. Nguyên nhân bởi quy mô trồng còn nhỏ lẻ, manh mún.
“Phần lớn diện tích dừa tại Việt Nam do các nông hộ trồng, khiến việc tổ chức liên kết khó đảm bảo do mỗi hộ có quy trình canh tác và thu hoạch khác nhau. Việc chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng đồng đều mất nhiều thời gian”, ông Nguyễn Quốc Mạnh nói.
Bên cạnh đó, ngành hàng còn thiếu HTX hoặc mô hình liên kết hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, công nghệ hỗ trợ chưa cao. Sự thiếu hụt này khiến việc thu gom, chế biến, và vận chuyển dừa, cũng như phát triển, mở rộng liên kết diện tích trồng dừa gặp trở ngại. Chưa kể việc bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, gây tổn thất không nhỏ.
“Đặc biệt, vấn đề thiếu thông tin thị trường và định hướng sản xuất. Nhiều nông dân trồng dừa chưa hiểu được hết yêu cầu của thị trường nhập khẩu, dẫn đến việc sản xuất không theo tín hiệu thị trường, làm giảm hiệu quả kinh tế và khả năng liên kết”, ông Nguyễn Quốc Mạnh nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, ông Nguyễn Quốc Mạnh đề nghị việc xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm chế biến sâu từ dừa cần được quan tâm đúng mức, nhằm đảm bảo giá trị cao nhất cho người sản xuất và doanh nghiệp.
“Chúng ta đã rất kiên trì đàm phán với các nước nhập khẩu để mở của thị trường cho dừa tươi. Do đó, việc xây dựng các vùng dừa tươi phục vụ xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe từ Hoa Kỳ, Trung Quốc… là việc làm cần thiết lúc này”, ông Nguyễn Quốc Mạnh bày tỏ.
Theo Nguyễn Việt/DĐDN
Ngày đăng: 26/8/2024
Có thể bạn quan tâm
Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc
Hoa Kỳ lại nâng mức thuế chống bán phá giá cá tra
Xoài Việt Nam lần đầu tiên vào Mỹ và diễn biến thị trường xoài thế giới
Mekong Connect 2019: Sống tốt nhờ thị trường ngách
Nông sản, thực phẩm rộng đường sang Algeria
Tags:xuất khẩu dừa
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này