21:50 - 01/03/2022
Lệnh 248 của Trung Quốc yêu cầu 18 nhóm thực phẩm phải đăng ký mã xuất khẩu
Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 đặt ra yêu cầu chi tiết 18 nhóm thực phẩm phải đăng ký mã số nếu doanh nghiệp các nước muốn xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này.
Theo Bộ NN-PTNT, Bộ này đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng về đáp ứng yêu cầu, quy định tại Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc khi Hải quan Trung Quốc cải cách toàn diện và có các yêu cầu cao hơn về giám sát đối với thực phẩm nhập khẩu.
Trước đó, từ 1/1, Trung Quốc đã áp dụng hệ thống khung pháp lý với quy định kiểm nghiêm ngặt gồm: biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248).
Theo đó, Trung Quốc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng; nộp báo cáo kiểm nghiệm theo lô hoặc tăng cường đình chỉ, tạm dừng hoặc cấm đối với doanh nghiệp nếu vi phạm an toàn thực phẩm hoặc cả đối với hoạt động đánh giá rủi ro thực hiện bởi các cơ quan nhà nước.
Trong đó, Bộ NN-PTNT đặc biệt lưu ý, theo Lệnh 248, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Cụ thể là các nhóm thực phẩm thịt và các sản phẩm từ thịt; vỏ ruột, sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm từ trứng; chất béo và dầu thực phẩm, thực phẩm chế biến hỗn hợp từ bột mì, thực phẩm từ ngũ cốc.
Sản phẩm công nghiệp xay xát ngũ cốc và mạch nha, rau củ tươi và khô (rau tách nước, sấy), đậu khô, gia vị, các loại hạt (quả hạch) và hạt giống; các loại trái cây sấy khô, hạt cà phê và hạt ca cao chưa rang; thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, 18 nhóm thực phẩm này đều là những sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu số lượng khá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Đối với sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại nêu trên, doanh nghiệp phải tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện đăng ký.
Cập nhật đến ngày 22/2, Bộ NN-PTNT cho biết đã có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số và đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định, không bị gián đoạn.
Hệ thống đăng ký lỗi, tiến độ cấp mã số còn chậm
Theo Bộ NN-PTNT, hiện việc cấp mã số xuất khẩu cho các doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan Trung Quốc diễn ra còn chậm. Trong số 270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất, mới chỉ có 187 doanh nghiệp được cấp mã.
Thực tế ghi nhận phát sinh một số khó khăn trong việc xin cấp mã số của doanh nghiệp xuất khẩu như: hệ thống đăng ký trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc bị lỗi kỹ thuật do hệ thống mới vận hành; tốc độ truy cập chậm; ngôn ngữ đăng ký chỉ có giao diện tiếng Trung Quốc… Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.
Bộ NN-PTNT gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế cùng các cơ quan quản lý để đẩy nhanh triển khai tiếp việc đăng ký cấp mã số doanh nghiệp, không để ảnh hưởng đến xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Theo Phan Hậu/Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này