
23:59 - 05/04/2017
Ha ha và hu hu với giá nông sản
Thị trường nông sản các tháng đầu năm đang khu biệt hai mảng sáng, tối khá rõ rệt. Một bộ phận nông dân hoan hỉ bán được giá cao, nhưng cũng có vô số thua lỗ, khóc than. Nhiều năm nay, chưa bao giờ lại xảy ra tình trạng như vậy.

Ngoài con cá tra đang “vượt vũ môn”, con gà trắng công nghiệp cũng đang làm người nuôi “ha ha”. Ảnh: TL.
Nhóm nông dân “được cười” đầu tiên phải kể đến một bộ phận ít ỏi người nuôi cá tra còn trụ lại được đến bây giờ. Giá cá tra, tính đến đầu tháng 4 này đã vọt lên 27.000 đồng/kg sau khi đã tăng một lèo từ mức 22.500 đồng cách nay hơn tháng.
Nguyên nhân cá tra tăng giá chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung. Sâu xa mà nói thì chuyện này cũng xuất phát từ mấy năm trước, người nuôi thua lỗ chổng vó, bỏ ao, bỏ hầm nên bây giờ hết cá, giá tăng.
Tuy cá tra đang tăng giá chưa có điểm dừng (nghe đâu doanh nghiệp còn dự báo nay mai lên 30.000 đồng/kg), nhưng thực tế, chỉ có một bộ phận người nuôi hưởng lộc. Đây là tầng lớp được “chọn lọc” sau nhiều cơn bão giá bi thảm mấy năm trước. Họ phải “nằm gai nếm mật”, chấp nhận cuộc chơi lỗ lã mới có ngày hôm nay.
Số này, thống kê chưa đến 1/10 so với lượng người nuôi những năm trước, nên giá cá tra có lên 100.000 đồng/kg hay hơn nữa, thì phần lớn người nuôi trước đây bây giờ cũng chỉ biết đứng ngoài cuộc mà ngậm ngùi, than tiếc.
Trong số hàng chục mặt hàng nông sản được xếp vào diện hàng hoá thì ngoài con cá tra, may mắn có con gà trắng công nghiệp là đang bán được giá. Một bộ phận người nuôi gà chứ cũng không nhiều đến con số hàng trăm ngàn, hàng triệu như nuôi heo đang được hưởng “lộc” khi giá gà lên 30.000 đồng/kg.
Cũng như cá tra, gà tăng giá liên quan đến câu chuyện hụt đàn, cung không đáp ứng đủ cầu, ngoài ra còn có thêm tí nguyên nhân do thịt gà ngoại nhập về ít, nên cũng tác động đến sản lượng cung cấp ra thị trường.
Nhóm “nông dân cười” chỉ có vậy, còn đâu là khóc hết. Từ người nuôi heo, nuôi gà màu, gà đẻ trứng, người trồng tiêu, điều, càphê, lúa gạo, củ mì cho đến trái cây… khắp nơi đều bi thảm như nhau. Giá heo hơi trên địa bàn cả nước còn 27.000 – 30.000 đồng/kg. Suốt nhiều tháng nay, hàng triệu triệu hộ chăn nuôi heo chưa có ngày nào được nở nụ cười.
Quả trứng thì chỉ còn dưới 1.000 đồng, quả khóm ở miền Trung thì lại phải nhờ vả vào lòng trắc ẩn từ xã hội. Giá tiêu, một loại được ví như vàng đen cũng rớt giá một nửa, còn chưa đến 100.000 đồng/kg. Người trồng mì mới là thê thảm, bán không ai mua, phải để thối rữa ngoài đồng…
Chuyện gì đang xảy ra với nông sản? Đó có thể là quy hoạch, có thể là chất lượng, có thể là cạnh tranh không lại với nước ngoài, có thể là do tắc thị trường đầu ra. Đang có quá nhiều nguyên nhân khiến nông dân phải khóc, cười như vậy. Tuy nhiên, hãy thử phân tích một nguyên nhân từ thị trường đầu ra.
Hiện, Việt Nam có đến 2/3 loại nông dân đã phụ thuộc sâu vào thị trường Trung Quốc. Dù có ai đó bài xích Trung Quốc đi nữa thì đây vẫn là một thực tế. Lấy ví dụ con cá tra. Năm ngoái, từ chỗ chưa có gì, Trung Quốc vươn lên thứ 2, sau Mỹ về nhập cá tra Việt Nam. Ba tháng đầu năm nay, Trung Quốc vọt lên đứng nhất, bỏ lại hai thị trường truyền thống là Mỹ, EU, điều mà không ai nghĩ tới.
Hiện, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thương nhân Trung Quốc đang xuống từng ao hầm, lùng sục, tranh mua quyết liệt cá tra nguyên liệu với các doanh nghiệp Việt Nam. Giá cá tra tăng chóng mặt thời gian gần đây, là do Trung Quốc đẩy giá để giành mua chứ không phải các nhà máy trong nước “hào hiệp” nâng giá.
Thử đặt giả thiết, nếu Trung Quốc ngưng mua cá tra, điều chắc chắn là giá sẽ tụt không phanh giống như con heo, hạt gạo, quả dưa, liễn mì lát đang gặp phải. Do đó, việc bắt “bệnh” tìm ra nguyên nhân vì sao giá hàng nông sản thời gian qua rớt thê thảm không khó. Nói thẳng ra là do Trung Quốc ngưng hoặc đẩy mạnh mua vào nên mới xảy ra tình trạng tăng, giảm như vậy.
Tìm được “bệnh” rồi, nhưng cũng sẽ không dễ có “thuốc chữa”, vì nó phụ thuộc quá nhiều vào chính sách vĩ mô. Tóm lại, ai bài xích thì cứ bài xích, còn nông dân, họ chỉ mong muốn bán được sản phẩm để có lời!
Bảo Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này