
09:07 - 08/05/2017
Giải cứu nông sản: khâu trung gian đang ăn lãi quá nhiều?
Một con lợn từ chuồng đến siêu thị hay chợ phải qua 3-4 khâu trung gian, trong đó, khâu bán lẻ đã chiếm đến 20-30% lợi nhuận.

Có nhiều bất hợp lý trong khâu phân phối đến tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc và gia cầm và nông sản nói chung.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN – PTNT, thừa nhận, khâu trung gian (thương lái) thì nước nào cũng có, bởi nông dân không thể tự đem sản phẩm của mình ra chợ bán. Song, trong chuỗi phân phối, khâu trung gian đang ăn lãi quá nhiều.
Chia sẻ về vấn đề khâu trung gian đang ăn quá “dày” đối với sản phẩm thịt lợn nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, khâu phân phối của chúng ta thất bại hoàn toàn. Thất bại là vì, một con lợn từ chuồng đến siêu thị hay chợ phải qua 3-4 khâu trung gian, trong đó, khâu bán lẻ đã chiếm đến 20-30% lợi nhuận.
Do đó, Việt Nam cần phải học ở Thái Lan trong cách thức tổ chức khâu phân phối, cách thức chia lợi nhuận. Bởi lẽ, theo quy định, trong quá trình phân phối khâu trung gian chỉ được ăn 30%, còn người nông dân được hưởng 70%, đảm bảo họ có lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất. Nhưng ở Việt Nam, bài toán lại ngược hoàn toàn.
Cũng theo ông Phú, cần phải có một nhạc trưởng thương mại điều hành vấn đề này trong đó vai trò của Sở Công Thương và Sở NN – PTNT là rất quan trọng phải gắn trang trại với siêu thị, không để thương lái và các nhà bán buôn ép giá và theo tính toán khi xây dựng cơ chế ăn chia giữa thương lái và người nông dân cũng nên ở mức 7 – 3. Nghĩa là, người nông dân sẽ hưởng 70% còn thương lái 30%, có như vậy mới tạo động lực giúp nông dân tái đầu tư.
Về mặt lâu dài , ông Phú cho rằng, cần phải xây dựng luật phân phối giống như Thái Lan hay các nước đã làm, từ đó quy định mức lợi nhuận các khâu được hưởng, tránh tình trạng người nông dân phải bỏ công sức nhiều nhất nhưng lại là người được hưởng lợi nhuận ít nhất.
Trong động thái cứu ngành chăn nuôi lợn mới đây, Bộ NN – PTNT cũng đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, giảm các khâu trung gian để giảm giá bán thịt lợn trên thị trường, cứu người chăn nuôi lợn. Như vậy, rõ ràng, ngành NN – PTNT không phải không biết thực tế khâu trung gian đang ăn quá “dày” trong khâu tiêu thụ các sản phẩm NN nhưng chỉ khi thực tế “khủng hoảng thừa” xảy ra thì chúng ta mới siết chặt khâu này.
Do vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành, nhà nước cần phải tổ chức lại khâu phân phối để giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí. Hiện thương lái đi gom thu mua heo, tập kết ở một điểm và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó lò giết mổ bán lại cho thương lái, bán cho người bán lẻ, người bán lẻ bán cho người tiêu dùng. Như vậy là phải qua ba bốn khâu trung gian, chi phí cũng từ đó mà đội lên cao.
“Có nhiều bất hợp lý trong khâu phân phối đến tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc và gia cầm. Nếu được các ngành chức năng phối hợp cùng DN, người chăn nuôi giải quyết căn cơ sẽ góp phần cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi với sản phẩm thịt chất lượng ổn định, an toàn và giá tốt”- ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN kiến nghị.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này