10:28 - 28/06/2021
Gạo Việt bán chưa hết, ồ ạt nhập gạo Ấn Độ làm gì?
Tuần qua, thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu liên tục có nhiều phiên điều chỉnh giảm đến 5 USD/tấn. Tính chung từ nửa tháng qua, gạo Việt Nam xuất khẩu đi giảm đến 15 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu còn khoảng 473 – 477 USD/tấn với gạo 5% tấm và 453 – 457 USD/tấn với gạo 25% tấm. Gạo Jasmine cũng giảm 5 USD/tấn, xuống còn 558 – 562 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm tiếp tục giữ giá ở mức 413 – 417 USD/tấn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 2,8 triệu tấn, trị giá trên 1,5 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam tập trung chủ yếu Philippines, Trung Quốc, Trung Đông… Một số thương nhân xuất khẩu gạo phía Nam cho biết, bắt đầu từ vụ hè thu năm 2021, ngành gạo Việt Nam bị ảnh hưởng xấu do nhập gạo giá rẻ Ấn Độ. Giá gạo VN hiện tại đã giảm chỉ còn khoảng 470 USD/tấn, trong khi cùng loại này, đầu năm 2021 có giá từ 520 – 530 USD/tấn. Trong nửa năm, giá gạo xuất khẩu giảm 50 – 60 USD/tấn. Không những giá thấp, mà lượng hàng bán đi rất chậm. Thế nên, lượng gạo tồn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện khá cao trong khi vụ hè thu chuẩn bị thu hoạch bắt đầu nở rộ.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, giá lúa trong nước đang vào vụ thu hoạch hè thu có sự giảm mạnh. Vụ hè thu dự kiến hết tháng 6 thu hoạch hết 70% sản lượng trong bối cảnh giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm, dẫn đến lợi nhuận ít hơn cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, vụ hè thu đang gặp phải thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch bệnh khiến lúa giảm năng suất, giá các loại phân bón tăng mạnh từ đầu năm dẫn đến chi phí sản xuất tăng. So với cuối tháng 5, giá lúa tươi tại Cần Thơ giảm 300 – 400 đồng/kg, tại An Giang giảm 500 – 700 đồng/kg.
Ồ ạt nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ
Trong khi đó, gạo giá rẻ nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Một thương nhân xuất khẩu gạo lớn tại thị trường phía Nam thông tin, cách đây 1 tuần, số liệu gạo nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam khoảng trên 400.000 tấn, bao gồm những lô đang trên đường về Việt Nam. Tính luôn từ năm 2020 – thời điểm Việt Nam bắt đầu tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, có khoảng 500.000 tấn gạo giá rẻ từ Ấn Độ đã và đang trên đường về Việt Nam.
Ngày 27/6, Bộ Công Thương thông tin về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo tại một số doanh nghiệp. Trước đó, để phục vụ công tác kiểm tra, Cục Xuất nhập khẩu đã gửi công văn đến các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cung cấp thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo Ấn Độ báo cáo về Cục trước ngày 29.6. Trước đó nữa, thông tin từ hải quan, có một số lô hàng gạo nhập từ Ấn Độ vi phạm hải quan, khai báo một đằng, bao bì một nẻo. Có lô hàng khai xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì thể hiện gạo của Việt Nam… Dư luận mấy ngày qua thắc mắc, với hàng trăm ngàn tấn gạo nhập từ Ấn vào Việt Nam trong thời gian qua, được tiêu thụ ở đâu.
Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận xét Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng trồng lúa rất lớn từ mấy chục năm liền và luôn phải xuất khẩu gạo. Thế nên, trong hầu hết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đàm phán ký kết với các quốc gia khác, Chính phủ, Bộ Công Thương luôn cố gắng và đấu tranh đến cùng để yêu cầu các quốc gia tăng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Thế nhưng thông tin từ Cần Thơ mới tuần trước, vẫn tồn kho gạo 260.000 tấn chưa xuất khẩu được trong khi vụ hè thu đang thu hoạch ồ ạt về.
Ông Bình gay gắt nói: “10 năm đàm phán để ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), chúng ta mới được EU cấp cho hạn ngạch xuất khẩu chỉ 80.000 tấn mỗi năm. Trong khi năng lực của chúng ta gấp mấy chục lần như vậy và toàn gạo chất lượng và giá tốt. Nửa năm qua, lượng gạo thấp cấp nhập từ Ấn Độ cao gấp 5 lần hạn ngạch gạo xuất 1 năm sang EU của Việt Nam. Ấy vậy mà đến nay, một số doanh nghiệp vì lợi ích nhỏ trước mắt, đã nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo giá rẻ từ Ấn, một số vụ bị phát hiện là gắn mác xuất xứ Việt Nam. Việc làm của họ không những đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, nhà nông và doanh nghiệp Việt mà còn phá hoại ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo tôi, Bộ Công Thương phải xử lý nghiêm vấn đề này, du di cho hành vi sai phạm trong nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, có tình trạng gian lận xuất xứ gạo, là gây tổn hại không nhỏ cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam”.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này