21:55 - 13/04/2017
EU kiểm tra doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam
Phía EU có sự nghi ngờ doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để xuất khẩu vào EU nên cơ quan thanh tra của EU đã sang kiểm tra một số doanh nghiêp tôm ở Bạc Liêu và Cà Mau.
Cơ quan thanh tra của Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau nhằm làm rõ những nghi vấn liên quan đến việc gian lận nguồn gốc tôm xuất khẩu từ Việt Nam, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương.
“Vì chúng ta (Việt Nam) là đối tượng được hưởng thuế ưu đãi rất lớn, cho nên, các nước EU yêu cầu hàng hóa sản xuất ra phải đảm bảo xuất xứ của Việt Nam mới được hưởng những ưu đãi này”, ông Hải giải thích như vậy tại Diễn đàn kinh tế thương niên 2017 được UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hôm 12/4.
Thực tế, hiện thuế xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU thấp hơn nhiều so với Ấn Độ. Cụ thể, xuất khẩu tôm thô của Việt Nam vào EU chịu mức thuế khoảng 4,2%, trong khi đó, thuế suất Ấn Độ phải chịu khi xuất vào thị trường khối này là 12%. Còn với tôm sơ chế, Việt Nam chịu thuế suất khoảng 7%, trong khi Ấn Độ là 20%.
Do vậy, phía EU có sự nghi ngờ doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để xuất khẩu vào EU nên cơ quan thanh tra của EU đã sang kiểm tra một số doanh nghiêp tôm ở Bạc Liêu và Cà Mau, đây là hai tỉnh sản xuất tôm lớn của Việt Nam, trong suốt hai tuần vừa qua, ông Hải cho biết.
Với tình hình như vậy, ông Hải khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải hết sức lưu ý yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. “Muốn bán được hàng vào EU, một mặt doanh nghiệp phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một mặt phải đảm bảo được xuất xứ hàng hóa. Đây là yêu cầu chung của các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, nhưng EU hiện nay là nơi đang ráo riết hơn”, ông Hải cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, bên lề hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017 được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng hôm 23/3, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa nhận EU và một số thị trường có nghi ngờ về sản phẩm tôm xuất khẩu nói riêng và một số sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam là không minh bạch về nguồn gốc.
Tuy nhiên, theo ông Tám, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời đối với phía EU và khẳng định không có chuyện Việt Nam gian lận trong thương mại tôm vào EU.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp đoàn thanh tra của EU cũng như các thị trường khác vào kiểm tra việc để làm rõ các thông tin này. Một nước xuất khẩu lớn không thể dung túng, không thể làm cái việc vì lợi ích của một vài doanh nghiệp mà để ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam”, ông Tám cho biết.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này