17:50 - 05/02/2017
Đồng Tháp kiểm tra doanh nghiệp đầu tư dự án sen bất thường
Ngày 5/2, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và đại diện các ngành chức năng tỉnh đã đến cơ sở của Công ty TNHH Sen Hoàng Giang, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh kiểm tra quá trình hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, không có bất cứ đại diện nào của doanh nghiệp này có mặt ở đây để tiếp đoàn. Theo một số người dân sống gần đó, ông Trần Văn Hòa – giám đốc Công ty TNHH sen Hoàng Giang – và các lao động Trung Quốc đã rời khỏi địa phương từ trước tết, rất có thể họ đã về quê ăn tết.
Sau khi kiểm tra tại các khu vực nhà xưởng, khu vực ông Hòa thả nuôi tôm hùm đỏ và trồng giống sen không phải sen bản địa, đoàn kiểm tra còn hỏi thêm nhiều người dân xung quanh để nắm thêm tình hình.
Ông Nguyễn Thành Tài – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trưởng đoàn kiểm tra – cho biết sở đã nắm được những hoạt động trồng sen và nuôi tôm hùm đỏ của doanh nghiệp này trước đó. Mục đích của đoàn kiểm tra là xem lại những vấn đề có phát sinh gì mới hay không.
“Tôm hùm đỏ thì đã tổ chức tiêu hủy, sen thì phải tiến hành trồng khảo nghiệm xem có đối kháng với các giống sen bản địa hoặc có mầm móng bệnh nào không thì mới cho trồng đại trà. Riêng tôm hùm đỏ thì sẽ tiếp tục theo dõi xem còn cá thể nào ở ngoài môi trường không”, ông Tài cho biết.
Trả lời câu hỏi liệu dự án trồng sen của ông Hòa có bất thường hay không, ông Tài chia sẻ phải cần thời gian để theo dõi.
“Quan điểm của tôi, bất cứ dự án nào cũng phải đặt trong quản lý nhà nước. Về góc độ trồng sen nếu không phải giống sen bản địa thì phải tiến hành trồng khảo nghiệm, còn việc ông Hòa nuôi sinh vật ngoại lai thì sai đã rõ rồi và các cơ quan quản lý cũng xử lý rồi”, ông Tài nói.
Về hướng sắp tới, ông Tài cho biết sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem lại toàn bộ quy trình đầu tư của dự án để đảm bảo mặt quản lý Nhà nước phải chặt chẽ.
Trong khi đó lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, cùng tham gia đoàn kiểm tra cho biết do mới nhận nhiệm vụ nên không nắm cụ thể dự án trồng sen này đang tiến hành ở địa phương.
Dân và cán bộ đều mù mờ số lượng tôm hùm đỏ
Trong quá trình tham gia đoàn kiểm tra, một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, nhiều lần khẳng định với trưởng đoàn kiểm tra là tôm hùm đỏ đã được tiêu hủy toàn bộ.
Tuy nhiên khi được hỏi chính xác số lượng tôm thả ra và số lượng tôm tiêu hủy thì vị cán bộ này chỉ trả lời được số lượng tôm thả ra mà không trả lới được số lượng tôm đã tiêu hủy là bao nhiêu.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Út, người dân được Công ty TNHH sen Hoàng Giang thuê đất trồng sen và quản lý ao nuôi tôm hùm đỏ, cho biết 4kg tôm do ông Hòa thả nuôi ban đầu là ở sau vườn nhà ông.
“Chúng ăn củ khoai mì và cá chết”, ông Út cho biết. “Lúc thả nuôi tôm nó to bằng ngón chân cái số lượng khoảng 200 con nhưng không biết chính xác là bao nhiêu con vì không có kiểm đếm cụ thể”, ông Út nói.
Trước đó, người dân xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) phản ảnh tại địa phương có một doanh nghiệp đang triển khai dự án trồng sen nhưng có nhiều biểu hiện rất bất thường. Người dân cho biết đại diện doanh nghiệp này “xúi” người dân phá bỏ lúa dù gần đến ngày thu hoạch, đưa người Trung Quốc đến làm việc, đặc biệt là đưa sinh vật ngoại lai, nguy hại vào nuôi trồng.
Ngoài chuyện yêu cầu nông dân phá lúa để thuê đất, điều đáng nói nhất là tháng 11/2016, người dân phát hiện trong ruộng của doanh nghiệp có thả một số sinh vật lạ.
Ông Trần Văn Hòa – giám đốc Công ty sen Hoàng Giang – thừa nhận sinh vật lạ mà người dân phản ảnh là tôm do ông thả nuôi.
“Tôi không biết con tôm này không được phép nuôi. Có người bạn ở ngoài Bắc họ cho tôi 4kg nói là nuôi ở miền Nam sẽ mập và ăn ngon hơn, nên tôi đem về nuôi thử” – ông Hòa nói.
Ông Phạm Minh Chí – phó phòng thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp – cho biết chi cục xác định sinh vật lạ do ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
“Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm.
Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người” – ông Chí giải thích.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này