10:16 - 06/03/2019
Còn tư duy ‘đánh quả’, lúa gạo khó dài dài
Mô hình hợp tác xã (HTX) với lợi thế tập hợp nhiều xã viên tạo thành quy mô sản xuất lớn, là bài toán giải quyết khá tốt yếu kém nội tại của ngành gạo.
Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn bàn sâu về mô hình này, cũng như những gút mắc mà ngành gạo đang đối mặt hiện nay.
– Thưa ông, ngân hàng Thế giới từng có nhiều báo cáo đánh giá sản xuất lúa gạo ở Việt Nam vẫn ở tình trạng chi phí cao và chất lượng thấp, đâu là giải pháp đồng bộ đểgiải quyết vấn đề này?
– Ngân hàng Thế giới đánh giá như vậy là cho tất cả nông sản của chúng ta chứ không riêng ngành hàng lúa gạo. Và, có lẽ do quá bằng lòng với những con số minh chứng cho thành tích trong ngắn hạn, mà các cơ quan quản lý chuyên ngành không nhận ra, hoặc có nhìn ra nhưng không có giải pháp để vượt qua “lời nguyền” đó. Giải pháp không quá khó, nhưng đòi hỏi phải kiên trì và đồng bộ.Đã có những mô hình thay đổi quy trình canh tác sử dụng giống ít hơn, giống giảm thì sẽ giảm được phân, giảm được thuốc. Đó là giảm về lượng.Muốn vậy, chúng ta phát triển kinh tế hợp tác như các hợp tác xã (HTX) để tận dụng lợi thế mua chung vật tư đầu vào, mua sỉ bao giờ cũng rẻ hơn mua lẻ. Đó là giảm về giá. Như vậy, chúng ta không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện, sản xuất chung một quy trình bao giờ cũng giúp tăng chất lượng nông sản. Triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên HTX càng nhiều, sẽ tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung.
Ngoài ra, chỉ sản xuất với quy mô lớn mới có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng. Lấy yêu cầu của thị trường làm chuẩn mực cho sản xuất và kinh doanh. Không chỉ lúa gạo mà nhiều nông sản của nước ta từng bị giải cứu. Tuy nhiên, lúa gạo ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu nông dân vùng trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời sản lượng lớn và vụ cũ chưa có lối ra rõ ràng, thì đã gối đầu vào vụ mới. Sức ép mùa vụ là vậy!
– Ngoài vai trò của HTX, lâu nay chúng ta vẫn đề cập đến sản xuất theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp phải có vai trò quyết định mới là giải pháp khả dĩ cho ngành gạo? Tại sao đến nay không thể làm được?
– Vì chúng ta nói quá nhiều trong các diễn đàn mà không đến được hàng chục triệu người sản xuất. Và cũng vì tư duy thương vụ đang chi phối tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp. Ngoài ra, xây dựng chuỗi ngành hàng không chỉ hô hào mà phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ kèm theo để bớt đi sức ép mùa vụ và thương vụ. Chuỗi phải được xây dựng trên đức tin và lòng tin.
– Ông từng nói sản xuất lúa gạo hiện nay vẫn theo lối tư duy mùa vụ và thương vụ? Ông có thể giải thích rõ hơn?
– Như đã nói ở trên, sức ép mùa vụ của nông dân và thương vụ của doanh nghiệp tồn tại đã nhiều chục năm, trong khi chúng ta chưa có chiến lược thị trường rõ ràng, cách thức xây dựng thương hiệu gạo Việt đủ mạnh để ổn định và tạo niềm tin cho các thị trường. Muốn có thương hiệu đủ mạnh phải mất nhiều nắm, bắt đầu từ chất lượng giống và quy trình sản xuất được kiểm soát và kiểm chứng được. Lại một lần nữa điều này bị cản trở do sức ép mùa vụ và tầm nhìn ngắn hạn, thậm chí lấy thành tích một hai mùa vụđể tự bằng lòng và tự hào.
– ĐBSCL, địa phương nào cũng đưa cây lúa vào mục tiêu phát triển không thể thay thế. Ở tầm quốc gia, chúng ta vẫn đặt nặng vai trò cây lúa bằng các giải pháp giữ diện tích, sản lượng? Nếu bây giờ đặt vấn đề giảm xuống thì chuyển đổi diện tích trồng lúa và việc làm của hàng triệu nông dân như thế nào thưa ông?
– Nói cho công bằng, các địa phương đều nhận ra sự cần thiết và tầm quan trọng của giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phù hợp với xu thế thị trường. Đây đó đã tự phát làm rồi và ngay chính quyền địa phương cũng “bật đèn xanh”, và đã có sự xung đột giữa người trồng lúa và người chuyển đổi cây lúa. Nhưng làm sao giảm diện tích trồng lúa khi hạ tầng đã được đầu tư chỉ phục vụ cho cây lúa? Vậy cần sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để cải tạo hạ tầng thiết yếu. Và quan trọng hơn là khi chuyển đổi được, thì vẫn có thể chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang rủi ro của một ngành hàng nông sản nào đó. Như vậy, cần có một chiến lược chuyển đổi để giảm diện tích trồng lúa, nhưng vẫn phát triển nông nghiệp bền vững.
– Theo ông, chiến lược dài hạn cho ngành gạo Việt Nam là gì để người Việt có thể tự hào về hạt gạo Việt?
– Hơn lúc nào hết, trong thách thức thì lại là cơ hội để tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung. Một chiến lược dài hạn phải từ tầm nhìn dài hạn từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp và nông dân.Một chiến lược phải được xây dựng trên niềm tin giữa các đối tượng kể trên. Một sự tù mù về thị trường vì những thông tin bất cân xứng do cách nghĩ “đánh quả” hoặc vì lợi ích cục bộ đan xen, sẽ không có một chiến lược dài hạn. Vượt qua trở ngại đó, cách thức xây dựng chiến lược đã có từ trong lý thuyết cho đến thực tế của các quốc gia khác mà chúng ta có thể học tập, nếu biết cầu thị và không tự ái.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Bảo Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này